Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia

Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu tiền kỹ thuật số quốc gia
Tạp chí Nhịp sống số - Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng chỉ đạo chủ trì nghiên cứu, đề xuất cơ chế tiền kỹ thuật số quốc gia.

Chính phủ vừa ban hành Quyết định 1813 về Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025. Một trong những nội dung về hành lang pháp lý và cơ chế chính sách cần hoàn thiện là nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách về tiền kỹ thuật số quốc gia.

Việt Nam hiện nay chưa có khái niệm chính thức về "tiền kỹ thuật số quốc gia", tuy nhiên, nhiều quốc gia đã nghiên cứu và một số đang thử nghiệm phiên bản tiền điện tử của tiền pháp định, do ngân hàng trung ương phát hành.

Trong đó, Trung Quốc là nước thể hiện tham vọng hàng đầu trong trong cuộc đua tiền kỹ thuật số của các ngân hàng trung ương. Nước này đã thử nghiệm tiền kỹ thuật số nhân dân tệ ở một số thành phố lớn như Bắc Kinh và Thâm Quyến. Đồng tiền này hiện được sử dụng để mua vé tàu điện ngầm, mua sắm trực tuyến tại nhiều nhà cung cấp ở Trung Quốc. Tại Thế vận hội mùa Đông Bắc Kinh sắp tới, Trung Quốc dự kiến cho phép người nước ngoài mở ví kỹ thuật số và tham gia thử nghiệm.

Tại Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, Ngân hàng Nhà nước cũng được giao trong năm 2022 phải hoàn thành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Điều này nhằm quản lý, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và triển khai các mô hình hợp tác, kinh doanh mới trong cung ứng dịch vụ thanh toán.

Ngay trong năm nay, Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng quy định về định danh và xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ Công an có trách nhiệm quy định, hướng dẫn kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ cho việc xác thực thông tin, nhận biết khách hàng bằng phương tiện điện tử.

Với việc phát triển thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, Thủ tướng giao nghiên cứu, triển khai từng bước hoạt động đại lý thanh toán, cho phép các tổ chức không phải ngân hàng triển khai hoạt động đại lý thanh toán.

Thủ tướng cũng ủng hộ việc tận dụng hạ tầng, dữ liệu, mạng lưới viễn thông, giảm các chi phí để mở rộng kênh thanh toán không dùng tiền mặt trên thiết bị di động ở khu vực vùng sâu xùng xa, gắn với việc triển khai dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile - Money). Theo Thủ tướng, cần đánh giá và đề xuất xử lý phù hợp đối với dịch vụ Mobile - Money.

Nhiều nội dung khác được đề cập trong đề án nhằm mục tiêu tới cuối 2025, giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%. Trong 5 năm tới, làm sao để 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép. Tỷ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%...

Có thể bạn quan tâm

Vừa qua, tại Lễ vinh danh và trao giải thưởng Sao Khuê 2024 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức, SeAMobile Biz - ứng dụng ngân hàng số dành cho doanh nghiệp của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) đã được bình chọn là sản phẩm xuất sắc của ngành phần mềm, CNTT Việt Nam và được công nhận đạt giải thưởng Sao Khuê 2024.