Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực Y tế

Thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực Y tế
Tạp chí Nhịp sống số - Thanh toán điện tử trong Y tế là lĩnh vực tương đối phức tạp vì liên quan đến việc kết nối kỹ thuật, quy trình thủ tục, cũng như có nhiều đơn vị liên quan, đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến “Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử không dùng tiền mặt trong y tế” diễn ra hôm nay

 thanh toán điện tử, Ví điện tử, y tế điện tử, Momo, Bộ y tế, thanh toán không tiền mặt,

Theo Nghị quyết 02/NQ-CP ban hành ngày 1/1/2019 về cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công, Chính phủ đã yêu cầu “100% trường học, bệnh viện trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ”.

Hội nghị được chủ trì bởi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh, Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Hồng Hải, PCT UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý... và sự tham gia của các sở, ban, ngành có liên quan, các bệnh viện công lập, bệnh viện tư nhân... cùng nhiều ngân hàng và tổ chức Trung gian thanh toán.

Nhân dịp này, Cổng hỗ trợ giao dịch điện tử y tế đã được khai trương. Đồng thời, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) đã trao tượng trưng thẻ thanh toán điện tử của Chương trình “Một thẻ quốc gia” cho Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế).

Theo số liệu từ Bộ Y tế cung cấp, hiện có khoảng hơn 30 bệnh viện đã triển khai các giải pháp, các phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Trong đó, bệnh viện trường Đại học Y Dược TP.HCM là một trong những đơn vị tiên phong và triển khai hiệu quả thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Hơn 70 ngân hàng và 31 ví điện tử có thể tham gia cung cấp các giải pháp thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Gần 14.000 cơ sở y tế đều có sử dụng tài khoản ngân hàng. Các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng tương đối đa dạng như: Thanh toán bằng thẻ qua máy POS; quét mã QR; Internet banking hoặc sử dụng ví điện tử.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Y tế cũng chỉ ra một số tồn tại làm hạn chế phát triển thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, như: tỷ lệ triển khai còn thấp, việc kết nối giữa phần mềm ngân hàng, các trung gian thanh toán với hệ thống thông tin bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra là rào cản về thói quen tiêu dùng, thanh toán của người dân cũng như những hạn chế khi tiếp cận thiết bị thanh toán; chưa kể đến e ngại về phí thanh toán giao dịch điện tử của các ngân hàng còn khá cao. Ngoài ra, tại các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi vẫn chưa có nhiều giải pháp, phương thức thanh toán viện phí không dùng tiền mặt để người dân sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: "Đến nay, thanh toán viện phí bằng tiền mặt ở một số bệnh viện chính là khâu còn nhiều bức xúc nhất đối với người bệnh. Nguyên nhân là do các quầy thanh toán luôn trong tình trạng quá tải khiến người dân phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi để trả tiền khám bệnh, tiền viện phí,... gây ra tâm lý ức chế, khó chịu, cáu gắt. Bản thân các bệnh viện cũng phải bố trí nhiều cán bộ chỉ làm công tác thu tiền và thanh toán viện phí”.

Vì thế, cùng với Bệnh án điện tử, Thanh toán phí/Viện phí không dùng tiền mặt là nội dung quan trọng được Bộ Y tế đẩy mạnh triển khai. Với bệnh viện, thanh toán phí, viện phí không dùng tiền mặt sẽ đơn giản hóa thủ tục cho người dân; Giảm chi phí nhân lực, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; Tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh.

Đồng hành cùng Bộ Y tế trong công tác đẩy mạnh ứng dụng CNTT theo tinh thần của Đề án Bệnh án điện tử và mở rộng thanh toán không tiền mặt trong lĩnh vực y tế, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán nghiên cứu để cung ứng các sản phẩm, giải pháp phù hợp với hạ tầng CNTT và điều kiện đặc thù của ngành Y tế. Định hướng chỉ đạo của NHNN trong cung ứng dịch vụ thanh toán không tiền mặt trong ngành y tế có thể gói gọn trong 6 chữ “S” bao gồm: Sẵn sàng - Sâu sát - San sẻ.

“Các định hướng nêu trên đã được NHNN hoán triệt đến các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán thông qua các yêu cầu cụ thể như: Xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết lập hệ thống, phần mềm trao đổi dữ liệu thông tin nhanh chóng thuận tiện với các bệnh viện; Cải tiến quy trình nghiệp vụ để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ hiện đại; Triển khai các chương trình ưu đãi, khuyến mãi khuyến khích thay đổi hành vi, thói quen của khách hàng...", Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh chia sẻ thêm.

Tham dự sự kiện này, trong bài tham luận với nội dung: "Ví điện tử MoMo và Giải pháp thanh toán không tiền mặt trong Lĩnh vực Y tế", Ông Nguyễn Bá Diệp (Phó chủ tịch, đồng sáng lập Ví điện tử MoMo) nhận định: thanh toán điện tử trong Y tế là lĩnh vực tương đối phức tạp vì liên quan đến việc kết nối kỹ thuật, quy trình thủ tục khá, cũng như có nhiều đơn vị liên quan. Tuy nhiên từ kinh nghiệm triển khai thanh toán Dịch vụ công tại Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, MoMo đã xây dựng sẵn 3 giải pháp giúp triển khai nhanh việc thanh toán điện tử trong ngành Y tế bao gồm: 1) Tích hợp trên website/app của bệnh viện; (2) Quét mã QR code động/tĩnh và (3) Thanh toán trên Ứng dụng Ví điện tử MoMo.

Ông Nguyễn Bá Diệp cho biết, từ trung tuần tháng 6/2019, người dân có nhu cầu đã có thể đăng ký khám chữa bệnh trước ngày khám và thanh toán tại BV Da liễu (TP.HCM) hoặc thanh toán viện phí tại quầy tại BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM), BV Đa Khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) bằng quét QRCode thông qua Ví điện tử MoMo. Trong tháng 10 tới đây, dịch vụ của Ví điện tử MoMo cũng sẽ được triển khai tại BV Đại học Y dược TP.HCM.

“Với hệ sinh thái 22 ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam đã liên kết trực tiếp với Ví điện tử MoMo, sẽ giúp các bệnh viện tiết kiệm thời gian khi không phải tốn đi công kết nối với từng ngân hàng riêng lẻ để triển khai dịch vụ. Về phía bệnh nhân, người nhà bệnh nhân cũng không phải “lăn tăn” xem ngân hàng mà họ đang sử dụng đã có thể thanh toán tại bệnh viện họ muốn khám, chữa bệnh hay chưa!”, ông Diệp trình bày.

Sử dụng Ví MoMo để thanh toán, bệnh nhân chỉ cần một vài tác đơn giản trên điện thoại đã có thể thanh toán được chi phí khám, chữa bệnh, không cần xếp hàng, giảm thời gian chờ đợi, đơn giản thủ tục, không phải mang theo tiền mặt hoặc thẻ ngân hàng. Hình thức này cũng giúp các bệnh viện giảm thiểu tình trạng quá tải, tiết kiệm nguồn chi phí phải bỏ ra cho nhân sự, kiểm đếm, in ấn. Đặc biệt, ngành Y tế sẽ trở thành lá cờ đầu trong công cuộc số hóa các dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết 02 của Chính Phủ. “Các bệnh viện nếu cần giải pháp cứ gọi trực tiếp cho tôi. Chỉ cần các bệnh viện quyết tâm, còn về công nghệ MoMo sẽ… lo trọn gói” ông Diệp nhấn mạnh.

Giải pháp và chia sẻ của đại diện Ví MoMo được Bộ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu đến từ các Bệnh viện đặc biệt quan tâm và tìm hiểu. Tham gia Hội nghị tại TP. Hà Nội, Ví điện tử MoMo cũng đã có gian hàng giới thiệu sản phẩm, giải pháp và thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu  của các Bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn thị Kim Tiến cũng cho rằng, việc triển giải pháp thanh toán điện tử không dùng tiền mặt sẽ tác động ít nhiều đến quy trình nghiệp vụ của các bệnh viện. Để đảm bảo không gây ảnh hưởng, hay xáo trộn đến các cán bộ y tế và người dân đến khám, chữa bệnh thì các cơ sở này phải có lộ trình xây dựng tài liệu hướng dẫn thanh toán, phát tờ rơi hướng dẫn cách thức, quy trình thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt, đăng tải tài liệu lên website bệnh viện, phổ biến cho các khoa phòng, bộ phận liên quan trong đơn vị.

Được biết, đầu tháng 9/2019 vừa qua, Ví điện tử MoMo và Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược đưa tiện ích thanh toán điện tử Ví MoMo vào các Hệ thống Quản lý Bệnh viện FPT.eHospital trên toàn quốc. Với sự hợp tác này, hàng trăm bệnh viện trên cả nước có thể ứng dụng công nghệ thanh toán hiện đại và tiện lợi của Ví điện tử MoMo.

Đại diện Fintech này cho biết, thời gian tới Ví điện tử MoMo và các đối tác sẽ tập trung vào công tác truyền thông, tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế, tăng cường đội ngũ chăm sóc khách hàng trong việc hỗ trợ, hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được lợi ích cũng như thuần thục các thao tác thanh toán viện phí bằng Ví MoMo.

Có thể bạn quan tâm

Liên tục ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), MoMo đã đạt được nhiều thành tựu đột phá trong việc thúc đẩy chuyển đổi số cho đất nước. Nhờ đó, Fintech này tiếp tục có mặt trong “Top 10 Sao Khuê” năm thứ hai liên tiếp.