Thực trạng đầu tư startup trong lĩnh vực Blockchain, AI

Thực trạng đầu tư startup trong lĩnh vực Blockchain, AI
Tạp chí Nhịp sống số - “Tình hình đầu tư vào lĩnh vực Blockchain trong năm nay đang thoái trào và đi xuống, nhưng trong “nguy” có “cơ”, nếu các quỹ đầu tư có tiềm năng thì đây là cơ hội để tiếp tục đầu tư cho các dự án tốt và sẽ có lãi.” - Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ VDI phát biểu tại Hội nghị “Thực trạng và Nhu cầu Đầu tư Khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực ICT” được tổ chức vào ngày 26/05/2022 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – Châu Á 2022 tại Hà Nội..

Đại dịch Covid-19 vừa qua có không ít những mô hình kinh doanh đột phá xuất hiện, đặc biệt phải kể đến lĩnh vực Blockchain. Cũng trong năm 2021, chúng ta đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng tiền từ các Quỹ đầu tư vào Blockchain. Chính vì thế, năm 2022 được đánh giá là một năm đầy cơ hội cho các Startup, Nhà đầu tư đối với lĩnh vực Blockchain. Từng nhận được rất nhiều sự kỳ vọng từ các nhà đầu tư từ năm 2021 tuy nhiên vào đầu năm nay, khi thị trường mã hoá đi xuống, tình trạng thị trường “sập sàn” xảy ra khiến cho các nhà đầu tư gặp khó khăn, hạn chế khi quyết định đầu tư và sự lựa chọn của họ cũng phải kỹ càng hơn rất nhiều. Chắc chắn điều này ảnh hưởng không ít tới quyết định của các quỹ đầu tư khi đầu tư vào các dự án Blockchain.

Với sự nhìn nhận đánh giá từ góc độ thị trường, Ông Nguyễn Thế Năng, Head of Product, TomoChain/ Head of Operations, LUA Ventures chia sẻ trong Hội nghị “Thực trạng và Nhu cầu Đầu tư Khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực ICT”  rằng: “Trong thị trường, về mặt công nghệ luôn có một chu kỳ. Khi một công nghệ mới phát triển thì luôn có rất nhiều sự kỳ vọng, dòng tiền đổ vào rất nhiều cho đến khi tới giai đoạn giới hạn, họ không phát triển được hệ sinh thái tương ứng, khi kỳ vọng không đạt được thì họ sẽ không tiếp tục làm sản phẩm đó nữa. Thêm một lí do nữa, các nhà đầu tư lớn trong thị trường cũng có giai đoạn họ thoát khoản đầu tư của mình để đầu tư vào những cái mới. Thông thường trong Blockchain trong vòng 4 năm sẽ xảy ra chu kỳ đó.”

Khi thị trường đầu năm nay đi xuống, dẫn đến nhiều biến động khi thị trường sập sàn, thì trong thời gian sắp tới ông dự đoán tình hình sẽ không thể tích cực hơn trong một thời gian ngắn. Một khi thị trường đã đi xuống thì vẫn cần có một khoảng thời gian để xây dựng lại. Trong thời gian này nếu chúng ta đi tìm những cơ hội đầu tư thì chắc chắn có. Thực tế nếu tình hình thị trường không đi xuống thì sẽ không bao giờ có cơ hội lãi, đó là chuyện bình thường. Về tình hình thực tế các quỹ thì nguồn tiền lớn nhất vẫn là từ Mỹ, họ đang có rất nhiều tiền nhưng cũng đang rất thận trọng trong các quyết định đầu tư - ông Nguyễn Thế Năng chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch Câu lạc bộ VDI - Chủ trì buổi toạ đàm Hội nghị “Thực trạng và Nhu cầu Đầu tư Khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực ICT” cũng đồng tình với Ông Nguyễn Thế Năng rằng tình hình đầu tư vào lĩnh vực Blockchain trong năm nay đang thoái trào và đi xuống, nhưng trong “nguy” có “cơ”, nếu các quỹ đầu tư có tiềm năng thì đây là cơ hội để tiếp tục đầu tư cho các dự án tốt và sẽ có lãi, vì ít người đầu tư thì các nhà đầu tư sẽ chọn lựa tốt hơn và hiệu quả tốt hơn.

Hiện nay, Việt Nam đang thành công trong việc tổ chức các sự kiện, chương trình để các quỹ đầu tư có dịp gặp mặt nhưng không nhiều startups thành công gọi vốn trong suốt quá trình tham gia vào các chương trình đó. Theo Ông Trịnh Minh Giang, CEO VTI Cloud, Chief Consultant VMCG chia sẻ tại Hội nghị “Thực trạng và Nhu cầu Đầu tư Khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực ICT”: “Đề xuất đầu tiên nên tìm kiếm thêm những Startup thật sự lớn để thuyết phục họ tham gia vào có những hoạt động riêng biệt dành cho từng đối tượng Startup đã có chỗ đứng, chứ không chỉ là những sự kiện dành cho các Startup mới thành lập, có như thế họ mới có thể thuận tiện trong việc tham gia.” Điều thứ hai ông Giang đề cập đến trong buổi toạ đàm là trong thời gian đại dịch Covid-19, chúng ta hoạt động online quá nhiều, các hoạt động offline rất khó để tổ chức trong cảnh đại dịch còn nhiều khó khăn và nguy hiểm. Khi các hoạt động offline tại Việt Nam trở lại tổ chức, vẫn còn nhiều khó khăn, đồng thời còn đang chậm so với các nước khác và còn phụ thuộc vào online quá nhiều. Từ giờ đến cuối năm nếu tốc độ các sự kiện offline quay trở lại nhanh hơn nữa có lẽ sẽ tốt hơn và các sự kiện chỉ nên tập trung vào từng chuyên đề một, để tiếp cận đúng đối tượng tham gia và để họ dễ nắm bắt nội dung.

Theo ông Trịnh Minh Giang CEO VTI Cloud, Chief Consultant VMCG Ở Việt Nam, không ít những câu chuyện startup gọi vốn thành công, tuy nhiên trong đó chỉ có chỉ có sự góp mặt của Startup và các nhà đầu tư, vẫn chưa thấy có sự hỗ trợ nhiều từ chính phủ. Để làm rõ vấn đề này, Ông Lê Toàn Thắng, Phó Giám đốc NSSC cho biết Việt Nam cũng đã tham khảo rất nhiều mô hình chính sách của quốc tế về hỗ trợ startup phát triển và Việt Nam cũng có một số quỹ của nhà nước hỗ trợ cho các startup, tuy nhiên vì có liên quan đến chính sách tài chính vẫn cần được hoàn thiện dần, sau khi hoàn thành thông tư nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp vào các dự án tiềm năng của Startup bằng các nguồn ngân sách của Nhà nước. Ngược lại, để thúc đẩy phát triển nhanh hơn, học tập tham khảo từ mô hình của Singapore, ban tổ chức cũng sẽ tham mưu cho Cục lãnh đạo Bộ tổ chức thêm nhiều sự kiện hơn nữa, phù hợp với nhiều chuyên ngành, lĩnh vực cho các Startup. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều những Startup cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước, chính vì thế vẫn rất cần đến sự hỗ trợ, chung tay của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, chính họ sẽ đưa ra thách thức, đưa ra định hướng cho startup tiềm năng. Có định hướng có thách thức thì startup mới có thể phát triển thành công được.

Có thể bạn quan tâm

Xuất sắc vượt qua hơn 300 đề cử, Phần mềm ngân hàng lõi kỹ thuật số FINC (Digital Core Banking FINC) của TechPlus đã được hội đồng chuyên môn đánh giá cao và trở thành 01 trong số 14 đơn vị xuất sắc vinh dự được vinh danh tại lĩnh vực “Ngân hàng số” của Sao Khuê 2024.