Tại phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ, trong một lần hiếm hoi cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng thống nhất khi viện dẫn những khó khăn khi điều tra các vụ lạm dụng trẻ em và nổ súng hàng loạt vừa qua tại Mỹ, trong đó các nền tảng mã hóa đã góp phần cản trở cuộc điều tra.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho rằng, “các công ty sẽ phải tìm cách để hỗ trợ pháp luật, nếu không chúng tôi sẽ làm thay. Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà những kẻ lạm dụng trẻ em hoặc khủng bố luôn tìm thấy nơi ẩn náu an toàn để thoải mái “hành nghề” theo sở thích bệnh hoạn của chúng”.
Theo Reuters, Facebook đã "vật lộn" với nhiều chính phủ kể từ khi công bố kế hoạch mở rộng mã hóa đầu cuối trên các dịch vụ nhắn tin của mình vào đầu năm nay, trong đó đích đến là ứng dụng Messenger, sau khi ứng dụng nhắn tin WhatsApps của họ cũng đã được mã hóa. Trong khi đó, Apple đã vượt qua cuộc chiến pháp lý về mã hóa năm 2016, khi từ chối yêu cầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) để truy cập chiếc iPhone của một kẻ đã sát hại hai nhân viên hành pháp ở California. Hành động cứng rắn của Apple đã góp phần củng cố danh tiếng của họ trong việc bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, trong khi Facebook liên tiếp sa lầy vào các vụ bê bối về xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm trong những năm gần đây.
Có lẽ rút ra từ bài học của Apple, nên Facebook cũng vừa thẳng thừng từ chối yêu cầu của Tổng chưởng lý Mỹ William Barr cũng như các giám đốc thực thi pháp luật của Anh và Úc hồi tháng 10 vừa qua về việc từ bỏ kế hoạch mã hóa của công ty. Trong thư gửi các cơ quan này, đại diện Facebook lập luận, “quyền truy cập 'cửa hậu' mà các ngài đang yêu cầu trên danh nghĩa thực thi pháp luật sẽ là một món quà cho tội phạm, tin tặc và các chế độ độc tài. Đây không phải là thứ mà chúng tôi sẵn sàng thỏa hiệp”.