Trước đó, vào ngày 14/11 năm ngoái, thương vụ mua bán giữa Samsung và tập đoàn Harman đã được báo giới nhắc đến. Ngày hôm qua – 19/02, thỏa thuận mua bán này mới được các cổ đông của Harman đồng ý. Mục đích chính của việc mua lại Harman của Samsung là để hãng "lấn sân" vào ngành công nghiệp ô tô. Ngoài ra, tập đoàn này còn có trong tay hàng loạt công nghệ âm thanh chất lượng cao như: Kardon, JBL, Bang & Olufsen,…
Trong tổng số 69.883.605 cổ phiếu của Harman, chỉ 49.460.322 cổ phiếu (khoảng 70%) đủ điều kiện bỏ phiếu tại cuộc họp cổ đông. Một số cổ đông tham dự cuộc họp, số khác đều nhờ người ủy nhiệm bỏ phiếu. Kết quả, 46.921.832 cổ phiếu đồng ý sáp nhập vào Samsung, 2.107.178 cổ phiếu phản đối, 431.312 cổ phiếu trắng.
Harman kỳ vọng, thỏa thuận này sẽ sớm hoàn thành trong quý 3 năm nay sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan chống độc quyền tại chính phủ nhiều nước (Mỹ, Liên minh châu Âu – EU, Hàn Quốc và Trung Quốc). Các biện pháp chống độc quyền thường được đưa ra để ngăn chặn tình trạng một sản phẩm bất kỳ có khả năng chiếm lĩnh thị trường thông qua việc sáp nhập hoặc mua lại.
Nếu thực hiện “trót lọt”, thỏa thuận này sẽ là thương vụ buôn bán ở nước ngoài lớn nhất của một công ty Hàn Quốc.