Rakuten Viber, công ty toàn cầu phát triển ứng dụng OTT Viber vừa công bố tính năng mới Caller ID (xác thực người gọi) giúp xác định những người gọi ẩn danh và ngăn chặn các cuộc gọi rác. Đây được coi như 1 lớp bảo vệ bổ sung cho người dùng Viber, giúp họ hạn chế các cuộc gọi làm phiền hay lừa đảo.
Tính năng mới Caller ID của Viber giúp người dùng không bao giờ bỏ lỡ các cuộc gọi quan trọng. Người dùng có thể đăng ký để kích hoạt khả năng xác định tất cả các cuộc gọi đến, kể cả từ người gọi không sử dụng Viber.
Đại diện Viber cũng cho hay, với tính năng Caller ID của nền tảng liên lạc phổ biến này, người dùng sẽ được cảnh báo dấu hiệu có thể là 'cuộc gọi rác' bằng âm báo ứng dụng.
Cảnh báo được dựa trên tổng hợp chỉ số 'cuộc gọi rác' và các số điện thoại đã được người dùng Viber báo cáo. Sau khi cuộc gọi kết thúc, người dùng sẽ được lựa chọn các chức năng khác sau cuộc gọi như gọi lại, báo cáo người gọi, nhắn tin và lưu liên hệ.
Ông Ofir Eyal - Giám đốc điều hành của Rakuten Viber cho biết: "Chúng tôi rất vui mừng khi được hỗ trợ lớp bảo vệ bổ sung này cho người dùng của ứng dụng. Caller ID mang đến sự an tâm cho người sử dụng vì không ai muốn nhận các cuộc gọi rác cả. Đây là một bước tiến mới mà chúng tôi đang thực hiện để trao nhiều quyền kiểm soát hơn cho người dùng."
Người dùng hiện tại (với phiên bản Viber 19.3.0 trở lên) có thể kích hoạt Caller ID trong mục "Cuộc gọi và Tin nhắn" ở phần Cài đặt của ứng dụng.
Tính năng này hiện khả dụng cho người dùng Android tại Việt Nam, Armenia, Moldova và sẽ dần được triển khai trên toàn cầu và những hệ điều hành khác trong những tháng tới.
Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của Viber. Theo ông David Tse - Giám đốc cấp cao khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Rakuten Viber, số người sử dụng Viber thường xuyên tại Việt Nam trong năm 2022 (hơn 25 ngày/tháng) đã tăng 20%. Còn lượng người sử dụng Viber để gọi điện thoại nhiều hơn trước cũng tăng 14%; số người sử dụng, khám phá các tính năng, ứng dụng khác trên Viber ngoài việc nhắn tin, gọi điện thoại tăng đến 42%...