Theo đó, các thiết bị IoT đang thay đổi cách chúng ta sống và làm việc từng ngày. Các thiết bị này dù đem lại nhiều tiện lợi cho người dùng, nhưng nếu không có biện pháp quản lý bảo mật tốt sẽ đem đến nhiều rủi ro tiềm ẩn.
Trend Micro và nhiều nhà nghiên cứu dự đoán rằng, tin tặc sẽ tiếp tục tận dụng các lỗ hổng bảo mật cơ bản trong các thiết bị người dùng như webcam và DVR để xây dựng botnet DDoS. Sau đó, dùng công cụ này để nhắm đến các công ty và các trang web tài chính.
Chẳng hạn, trong năm 2016 tin tặc đã sử dụng mã độc Mirai để thực hiện các cuộc tấn công DDoS. Mirai có khả năng tìm kiếm và tấn công các thiết bị tiêu dùng kết nối Internet, vốn chỉ được bảo vệ bằng tên và mật khẩu mặc định.
Mirai được thiết kế để tấn công hệ thống IoT chạy BusyBox, một dạng tập tin thực thi bao gồm nhiều phiên bản khác nhau của các tiện ích Unix. Dễ nhận thấy nhất là việc mã độc này tấn công các router, camera, máy quay video và các thiết bị IoT tại hộ gia đình.
Đó là lý do tại sao nhiều chuyên gia bảo mật cho rằng đã đến lúc các vấn đề liên quan đến bảo mật IoT phải được thực hiện nghiêm túc trước khi quá muộn.
Theo khuyến cáo, IoT là một cuộc cách mạng hứa hẹn đem lại những cơ hội rất lớn, nhưng cũng đi kèm không ít rủi ro cho mọi tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn thế giới. Do đó, các cá nhân, tổ chức cần phải nâng cao nhận thức, xây dựng và tuân thủ những chính sách cũng như khuyến cáo về an toàn bảo mật để hạn chế tối đa những rủi ro không đáng có.