Trợ lý ảo sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực

Trợ lý ảo sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực
Tạp chí Nhịp sống số - Trợ lý ảo sẽ được sử dụng phổ biến với công chức, viên chức trong cơ quan Nhà nước và phục vụ nhu cầu cơ bản tra cứu, tìm kiếm thông tin của người dân.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa ban hành kế hoạch thúc đẩy phát triển và sử dụng nền tảng số quốc gia về trợ lý ảo. Đây là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã được Bộ TT-TT công bố.

Bộ TT-TT đặt ra mục tiêu, năm 2022, phát triển các nền tảng trợ lý ảo: Trợ lý ảo cho cơ quan Nhà nước; Trợ lý ảo cho người dân; Trợ lý ảo cho khách du lịch; Trợ lý ảo cho người học.

Trong đó, với trợ lý ảo trong cơ quan Nhà nước, sẽ xây dựng và triển khai tại một số bộ phục vụ nhu cầu hỏi đáp của công chức, viên chức, người lao động về các lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Trợ lý ảo cho người dân hỗ trợ hỏi đáp về một số quy trình, thủ tục, dịch vụ công.

Trợ lý ảo cho khách du lịch phục vụ tra cứu, tìm kiếm thông tin về danh lam thắng cảnh, các địa điểm vui chơi, giải trí, nhà hàng, khách sạn... Với người học, sẽ triển khai trợ lý ảo hỏi đáp tri thức chung về địa lý, lịch sử và kiến thức chuyên sâu theo một số ngành, lĩnh vực cụ thể.

Theo kế hoạch, từ tháng 4 này, các doanh nghiệp nòng cốt bắt đầu xây dựng, phát triển nền tảng số quốc gia trợ lý ảo như một dịch vụ, cho phép nhiều bên cùng tham gia cung cấp cho tổ chức, cá nhân; có thể sử dụng ngay, đơn giản, linh hoạt theo yêu cầu, dễ dàng phổ biến trên diện rộng, các bên tham gia không cần tự đầu tư, quản lý, vận hành.

Dự kiến, nền tảng số quốc gia trợ lý ảo sẽ được triển khai chính thức vào trung tuần tháng 11/2022.

Có thể bạn quan tâm

Từ ngày 28/10, người dân có thể khởi tạo chữ ký số VNPT SmartCA ngay trên ứng dụng VNeID của Bộ Công an và sử dụng chữ ký số này thực hiện ký số miễn phí hoàn toàn trên các cổng dịch vụ công.