Trung Quốc đang trau dồi khả năng công nghệ kỹ thuật trong mạng truyền thông thế hệ thứ sáu, dự kiến sẽ được triển khai thương mại vào năm 2030. Sự phát triển 6G của nước này nhiều khả năng sẽ chậm lại do những hạn chế đối với Huawei Technologies được đưa ra từ thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi năm 2019. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh vẫn duy trì việc cạnh tranh bằng cách huy động công ty nhà nước và các trường đại học.
Nikkei cùng công ty nghiên cứu Cyber Creative Institute có trụ sở tại Tokyo đã khảo sát khoảng 20.000 hồ sơ đăng ký bằng sáng chế cho chín công nghệ 6G cốt lõi, bao gồm truyền thông, công nghệ lượng tử, trạm gốc và trí tuệ nhân tạo (AI). Kết quả cho thấy Trung Quốc đứng đầu danh sách với 40,3% hồ sơ đăng ký bằng sáng chế 6G, theo sau là Mỹ với 35,2%. Nhật Bản đứng thứ ba với 9,9%, vị trí tiếp theo là châu Âu với 8,9% và Hàn Quốc với 4,2%.
Theo Nikkei, hồ sơ đăng ký bằng sáng chế của Trung Quốc hầu hết liên quan đến công nghệ cơ sở hạ tầng di động. Nhiều bằng sáng chế mới nhất được đệ trình bởi Huawei. Các chủ sở hữu bằng sáng chế lớn khác của Trung Quốc bao gồm các công ty nhà nước như State Grid Corporation of China và China Aerospace Science and Technology.
Huawei nắm giữ số lượng bằng sáng chế 5G nhiều nhất thế giới với gần 12% thị phần. Hãng viễn thông Trung Quốc có khả năng cũng sẽ hiện diện mạnh mẽ trong công nghệ 6G. Huawei tuần trước tuyên bố sẽ bắt đầu phát triển 6G của riêng mình bất chấp những biện pháp trừng phạt của chính quyền Washington.
“Các công ty khác ngoài Huawei cũng đang có được bằng sáng chế 6G, điều này cho thấy sự phát triển công nghệ của Trung Quốc đang được cải thiện”, Giám đốc Cyber Creative Institute Takafumi Saito nói.
Được biết, Trung Quốc không chỉ ưu tiên công nghệ truyền thông 6G theo sáng kiến “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” (Made in China 2025) mà còn hỗ trợ tài chính cho các nước khác khi họ xây dựng mạng 5G ở châu Phi và Trung Đông.
Trong khi đó, tại Mỹ, sáng kiến liên minh Next G Alliance (Liên minh mạng di động thế hệ kế tiếp) có các thành viên bao gồm Google và Apple, đã công bố triển vọng cho kỷ nguyên 6G. Chính phủ liên bang cũng cho phép truy cập miễn phí để thử nghiệm sóng vô tuyến. Khi 6G được triển khai, khả năng liên lạc sẽ được tích hợp với AI, công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường. IBM và Microsoft là hai ông lớn công nghệ Mỹ có bằng sáng chế liên quan đến 6G. Qualcomm, Intel đã mua lại nhiều bằng sáng chế cho chip được sử dụng trong điện thoại thông minh và các thiết bị công nghệ thông tin khác.
Mỹ và Trung Quốc không phải là những nước duy nhất cạnh tranh để giành vị trí tối cao trong công nghệ 6G. Tại châu Âu, nhà sản xuất thiết bị viễn thông Thụy Điển Ericsson và Đại học Oulu ở Phần Lan đã xuất bản sách trắng 6G. Liên minh châu Âu (EU) đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu chuẩn hóa, bao gồm thành lập một nhóm nghiên cứu của Viện Tiêu chuẩn viễn thông châu Âu. Còn tại Hàn Quốc, Samsung Electronics và LG Electronics cũng đã thành lập các trung tâm phát triển 6G, trong khi chính phủ cam kết sẽ hỗ trợ cho những nỗ lực đầu tư vào công nghệ quan trọng này.
Liên minh Viễn thông Quốc tế, một cơ quan của Liên Hiệp Quốc, và các nhóm ngành dự kiến sẽ bắt đầu thảo luận về tiêu chuẩn hóa 6G vào khoảng năm 2024. Thông thường, những nước sở hữu nhiều hồ sơ bằng sáng chế hơn thường có xu hướng dẫn đầu về công nghệ tiên tiến và có tiếng nói về tiêu chuẩn ngành. Trung Quốc, quốc gia hiện có nhiều bằng sáng chế liên quan, có khả năng sẽ chiếm ưu thế trong việc ra quy tắc.