Trung Quốc siết dịch vụ video ngắn, livestream

Trung Quốc siết dịch vụ video ngắn, livestream
Tạp chí Nhịp sống số - Cục quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) quyết chấn chỉnh tình trạng 'hỗn loạn' của các dịch vụ trực tuyến như video ngắn, dịch vụ phát trực tiếp (livestream) và thuật toán ứng dụng.

Trong cuộc họp báo gần đây, ông Sheng Ronghua, Cục phó CAC, cho biết Cục sẽ nhắm mục tiêu vào các vấn đề trực tuyến, bao gồm lưu lượng truy cập bot, các phiên phát trực tiếp có thu phí, những người có ảnh hưởng ở tuổi vị thành niên và các vụ tự tử giả nhằm thu hút sự chú ý hoặc dụ mọi người vào các trò gian lận.

Ngoài ra, ông Sheng cho biết Cục cũng tiến hành theo dõi các đơn vị "chống lưng" giúp những người có ảnh hưởng đạt được lưu lượng truy cập trực tuyến trên các nền tảng khác nhau thông qua các phương pháp "đáng ngờ".

Theo ông Zhang Yongjun, một quan chức khác của CAC, Cục sẽ chỉ đạo các đơn vị quản lý internet thiết lập một mô hình máy tính để theo dõi và dự đoán bạo lực trực tuyến (sử dụng AI), đồng thời bổ sung các tính năng trong ứng dụng như chặn tin nhắn trực tiếp từ các tài khoản không xác định. Ông Zhang cho biết tính năng chặn tin nhắn trực tiếp từ người lạ đã có trên Douyin - phiên bản TikTok nội địa Trung Quốc.

Ông Zhang cũng ám chỉ những đơn vị đại diện cho những người có ảnh hưởng (công ty giải trí, chủ quản KOL...) "có liên quan hoặc thậm chí là nguyên nhân" của sự hỗn loạn trực tuyến. Theo đó, một số tác nhân đã cố gắng tăng lượt xem trang bằng cách kích động cảm xúc, tạo nội dung bán khiêu dâm, cũng như tạo nội dung liên quan đến khoa học, lịch sử hoặc quan hệ quốc tế có "giá trị sai lệch".

Khống chế thuật toán "phân biệt đối xử"

Không những vậy, Cục phó CAC còn đề cập đến những thuật toán "phân biệt đối xử" cũng được liệt kê vào tầm ngắm trong năm nay của đơn vị này.

Nói nôm na, những thuật toán này sẽ dựa vào những thông tin được thu thập từ người dùng để định giá sản phẩm, dịch vụ. Thậm chí, nhiều công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent hay ByteDance (chủ sở hữu TikTok) được cho là đang sử dụng những thuật toán này.

Kiểm duyệt quá gắt "độn" nhiều chi phí

Bất chấp những nỗ lực kiểm soát internet của chính phủ Trung Quốc - vốn được đánh giá là bậc nhất thế giới, tình trạng thông tin sai lệch bị lan truyền mất kiểm soát đôi khi vẫn diễn ra, gần đây nhất có thể kể đến như thông tin giả mạo thân Nga lan truyền thông tin Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tháo chạy khỏi Kyiv.

Trong khi đó, duy trì "vạn lý trường thành online" cũng là một bài toán rất lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc. Cụ thể, các nền tảng trực tuyến nói chung, mạng xã hội nói riêng, hiện đang phải đổ rất nhiều tiền vào việc thuê một lực lượng kiểm duyệt hoạt động 24/7 để đáp ứng những yêu cầu nghiêm ngặt từ chính phủ.

Theo TNO

Có thể bạn quan tâm