Trung Quốc siết tiền mã hóa, thả lỏng blockchain

Trung Quốc siết tiền mã hóa, thả lỏng blockchain
Tạp chí Nhịp sống số - Dù tiếp tục hậu thuẫn sự phát triển của công nghệ blockchain, Trung Quốc vẫn cố gắng hạn chế đầu cơ vào tiền mã hóa gần một năm kể từ ngày cấm hoạt động gọi vốn cho dự án tiền mã hóa mới (ICO).

Theo CNBC, công nghệ blockchain hay còn gọi là sổ cái phân tán tạo ra bản ghi giao dịch an toàn, vĩnh viễn giữa hai bên, loại bỏ sự cần thiết của trung gian thứ ba như ngân hàng. Bitcoin là ứng dụng đầu tiên của công nghệ này, và hàng trăm đồng mã hóa khác ra đời từ thời bitcoin xuất hiện.

Giá tiền mã hóa bay cao cuối năm ngoái khi nhiều nhà đầu tư cược rằng blockchain có thể thay đổi thế giới mạnh mẽ, hệt như các internet đã làm. Dù nhiều doanh nghiệp và chính phủ các nước, trong đó có Trung Quốc, đang thử nghiệm công nghệ blockchain, thực tế nó vẫn chưa chứng minh được giá trị trên quy mô lớn.

Trung Quốc từng là nước đi đầu trong giao dịch bitcoin và hiện vẫn chiếm phần lớn hoạt động đào bitcoin trên thế giới. Dù thế, nước này ngày càng tăng giám sát, đặc biệt khi giá bitcoin bay cao. Đầu tháng 9 năm ngoái, Bắc Kinh cấm ICO và cũng cấm giao dịch bitcoin - nhân dân tệ trong nước.

Cùng lúc, giới đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ ngày càng quan tâm đến bitcoin, giúp nó lên đến 19.000 USD hồi tháng 12/2017. Các dự án blockchain Trung Quốc đôi khi phải chuyển trụ sở ra nước ngoài dù vẫn phát triển ở Đại lục. Giao dịch giữa các đồng mã hóa vẫn được phép dù bitcoin chỉ được mua bán ở thị trường giao dịch ngoài quầy.

Ngày 24/8 vừa qua, 5 cơ quan chính phủ là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Điều tiết Ngân hàng, Ủy ban Không gian mạng Trung tâm, Bộ Công an và Cục Quản lý Nhà nước và Quy định Thị trường vừa đưa ra cảnh báo về rủi ro đến từ “blockchain” và “tiền mã hóa”. Thông báo cũng kêu gọi những người dùng máy chủ ở nước ngoài nhắm đến giới đầu tư Trung Quốc.

Cùng ngày, hãng Tencent tuyên bố cấm toàn bộ giao dịch liên quan đến tiền mã hóa thông qua WeChat Pay, chức năng thanh toán di động của ứng dụng nhắn tin WeChat. Tencent cũng chặn một số tài khoản WeChat bị cáo buộc công bố thông tin liên quan đến ICO và giao dịch tiền mã hóa vi phạm chính sách của chính phủ.

Ngày 17/8 trước đó, quận Triều Dương ở Bắc Kinh, bao gồm khu vực kinh doanh trung tâm, ra lệnh cấm các khu vực mua sắm, khách sạn và tòa nhà văn phòng tổ chức sự kiện quảng cáo tiền mã hóa. Trang web tin tức Trung Quốc National Business Daily cho hay một khu phát triển kinh tế đặc biệt ở Quảng Châu cũng đưa ra lệnh cấm tương tự.

Chính phủ Trung Quốc muốn duy trì sự ổn định tài chính và sẽ điều chỉnh các hoạt động để hút tiền từ các nhà đầu tư bình thường, giám đốc điều hành Jack Lee tại HCM Capital cho biết. Hãng HCM không kỳ vọng giới quản lý Trung Quốc giảm bớt hạn chế xung quanh đầu tư tiền mã hóa ngay cả khi chính phủ chấp nhận công nghệ blockchain.

Chính quyền một số thành phố, tỉnh lị Trung Quốc công bố nhiều khoản đầu tư blockchain. Trong số này có chính quyền Hàng Châu, nơi hãng Alibaba đặt trụ sở, và Thượng Hải, Nam Kinh. Tổng số tiền rót vào blockchain đạt tổng cộng khoảng 3,57 tỉ USD từ năm 2016, theo ước tính của trang SupChina.

Đầu tư riêng vào công nghệ blockchain nhìn chung vẫn ổn định. BlockVC, hãng có một trong các văn phòng chính ở Bắc Kinh, đang rót tiền cho 40-50 dự án liên quan đến blockchain. Giám đốc hoạt động Mingxuan Li của BlockVC cho hay doanh nghiệp ông đặt trọng tâm phát triển công nghệ blockchain cơ bản. Ông Li cho rằng blockchain sẽ phát triển nhanh, rộng tại Trung Quốc, đặc biệt là nhờ dân số lớn của nước này mở ra cơ hội thử nghiệm các ứng dụng trên quy mô rộng.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.