Nhiệm vụ chính của Hội thảo là thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong mảng Chính phủ điện tử, hướng đến mô hình Chính phủ số, nhằm mang lại nhiều giá trị phục vụ cho người dân và doanh nghiệp. Tại hội thảo, các lãnh đạo chính phủ, bộ ngành, tỉnh thành đã chia sẻ, thảo luận về lộ trình phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số ngành nghề và địa phương, cũng như lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Hội thảo tập trung giới thiệu mô hình, lộ trình và giải pháp công nghệ nhằm phát triển dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ số với một Phiên báo cáo chính, một Phiên tọa đàm cấp cao và ba Phiên hội thảo chuyên đề, quy tụ các lãnh đạo cao cấp UBND TP.HCM, Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục & đào tạo cùng nhiều lãnh đạo Sở, ban ngành trung ương đến địa phương.
Nhiều vấn đề nóng cũng đã được đưa ra thảo luận tìm giải pháp như “Sáng tạo, năng động trong hoạt động quản lý Logistics”, “Chuyển đổi số ngành giáo dục và xây dựng môi trường giáo dục 4.0”, “Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.
Trong phiên hội thảo chuyên đề, nhằm hỗ trợ chính phủ thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, FPT cũng giới thiệu xu hướng về mô hình chuyển đổi số trong y tế - Mô hình lưu trữ dữ liệu trên nền tảng số phục vụ ngành y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam.
Đặc biệt, phiên tọa đàm cấp cao với chủ đề “Giải pháp công nghệ góp phần nâng cao hiệu quả Cổng dịch vụ công trực tuyến và phát triển chính phủ số” diễn ra dưới sự điều phối của ông Trương Gia Bình - Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT. Phiên tọa đàm này đã đưa ra được những giải pháp quan trọng, tập trung vào hai vấn đề chính: “Làm sao để người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực hơn trong các dịch vụ công trực tuyến?” và “Giải pháp thúc đẩy phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số”.
Ông Bình khẳng định: “Để phát triển chính phủ điện tử từ cấp bộ ngành đến các cục vụ, từ trung ương đến địa phương, quan trọng nhất là phải bắt đầu từ việc đơn giản hóa, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục, đừng chạy theo số lượng mà hãy quan tâm đến chất lượng dịch vụ hành chính công trực tuyến. Làm sao cho người dân cảm thấy thuận lợi, dễ dàng nhất , phải truyền thông để người dân biết, xây dựng được cho người dân niềm tin về việc nhà nước đang nỗ lực thế nào trong phát triển chính phủ điện tử. Đây sẽ là những nhân tố tăng tốc phát triển chính phủ điện tử với mục tiêu coi người dân, doanh nghiệp là trung tâm mà Việt Nam đang hướng tới.”
Đồng tình với quan điểm này, đại diện các Bộ ngành tham dự tọa đàm như Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Thông tin & Truyền thông, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng chia sẻ, cần phải có thể chế, chính sách chuyên biệt hóa để dẫn đường cho sự phát triển, đầu tư ngân sách đúng mức và chính ngạch cho Công nghệ thông tin, đặt mục tiêu tập trung cho lợi ích của người dân, doanh nghiệp.
Phát biểu trong khuôn khổ tọa đàm, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chia sẻ: “Chuyển đổi số thành phố bắt nguồn từ việc kế thừa những thành quả đã có, tận dụng mọi nguồn lực công tư kết hợp, có cơ chế lựa chọn các sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số tốt để đưa vào ứng dụng được ngay. Để làm được điều đó, lãnh đạo thành phố đóng vai trò vừa tích cực thúc đẩy vừa hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển năng lực. Chính quyền phải đóng vai trò kết nối, để tất cả các lực lượng cùng tham gia chuyển đổi số, góp phần xây dựng chính quyền số hiệu quả, phục vụ người dân tốt, phát triển nền kinh tế số mang lại giá trị thặng dư cao hơn”.
Ông Trương Gia Bình còn nhấn mạnh, yếu tố nhận thức là đặc biệt quan trọng, và TP.HCM đang là một trong những địa phương tiêu biểu, đạt được những thành tự đáng kể trong cải cách hành chính và nâng cao hiệu quả dịch vụ công nhờ sự quyết liệt của lãnh đạo cũng như nhận thức, tư duy đúng đắn. Tổng số dịch vụ công trực tuyến được công bố của Thành phố là gần 1.800 dịch vụ, trong đó gần 60% là mức độ 3 và 4.
Ông Dương Anh Đức chia sẻ thêm, chuyển đổi số là một quá trình nhiều bước, trong đó ngoài việc phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, thì xây dựng nền tảng dữ liệu cũng là một nhiệm vụ thiết yếu, bởi “dữ liệu là kho tài sản lớn của mọi quốc gia, được ví quý hơn dầu mỏ vì càng dùng thì càng tạo ra nhiều giá trị”.
Đại diện FPT cho biết, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp xây dựng Chính quyền điện tử cho nhiều Bộ, ngành và tỉnh, thành tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, FPT đã hỗ trợ tư vấn chuyển đổi số, xây dựng khung kiến trúc chính quyền điện tử, phát triển nền tảng tích hợp, liên thông dữ liệu, giúp tăng khả năng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân, doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập đoàn cũng tập trung nghiên cứu và đưa vào ứng dụng các nhóm giải pháp công nghệ cho các lĩnh vực trọng điểm như giao thông, y tế, giáo dục, góp phần kiến tạo các đô thị thông minh ở nhiều địa phương: Quảng Ninh, TP.HCM, Hải Phòng... Mới nhất, FPT là một trong các đơn vị hỗ trợ, tư vấn cho thành phố về khung kiến trúc Chính quyền điện tử cũng như xây dựng nền tảng chia sẻ, liên thông dữ liệu (LGSP HCM) vừa được ra mắt tháng 7/2020. |