Tư duy cầu tiến - điểm nhấn cho chiến lược xây dựng nguồn nhân lực tương lai

Tư duy cầu tiến - điểm nhấn cho chiến lược xây dựng nguồn nhân lực tương lai
Tạp chí Nhịp sống số - Tư duy và năng lực lãnh đạo đổi mới là các thành tố quan trọng cho sự lớn mạnh và phát triển của Việt Nam trong tương lai, đặc biệt trong thế giới hậu COVID -- nhận định của chuyên gia đến từ Đại học RMIT Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Seng Kok - Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị nguồn nhân lực và Khởi nghiệp tại Đại học RMIT, Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi trong việc xây dựng thế hệ lãnh đạo mới và kiến tạo nên đội ngũ lao động có chuyên môn sẵn sàng cho thị trường toàn cầu.

“Năng lực của Việt Nam trong việc kiểm soát và đối phó với COVID-19 tạo cơ hội cho nền kinh tế tiếp tục phát triển”, ông nói. “Là một trong số ít quốc gia đạt mức tăng trưởng GDP dương vào năm 2020, Việt Nam đang đứng trước triển vọng tích cực để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế sắp tới và trở thành một cường quốc ở châu Á”.

Cùng đó, Tiến sĩ Kok cũng nhận định về một số điều kiện thuận lợi giúp thúc đẩy phát triển lãnh đạo đổi mới sáng tạo: “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 của Việt Nam nhấn mạnh vào giá trị mà đổi mới sáng tạo có thể mang lại cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước cũng như việc nâng cao năng lực cạnh tranh trong thế giới hậu COVID. Ưu tiên của chiến lược này là phát triển các kỹ năng và nền tảng kiến thức cho lực lượng lao động theo hướng đổi mới và với tư duy cầu tiến”.

Có thể thấy , nhận định này phản chiếu Báo cáo Xu hướng nguồn nhân lực toàn cầu năm 2021 của Deloitte, theo đó đổi mới ngày càng được xem là một trong những yếu tố quan trọng khi doanh nghiệp chuyển từ trạng thái "tồn tại” sang “phát triển". 

“Nói cách khác, tư duy đổi mới và khả năng lãnh đạo sáng tạo sẽ là yếu tố then chốt cho tăng trưởng và phát triển trong tương lai”, ông nói. 

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới đưa ra gần đây cũng cho thấy nhiều diễn tiến tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển các tổ chức có khả năng hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực xuất khẩu, năng lực thu hút đầu tư, cũng như uy tín trong khoa học và công nghệ. Những điều này được cho là sẽ tạo ra môi trường có thể nuôi dưỡng, thúc đẩy và tạo tiền đề cho đổi mới sáng tạo và cho các ý tưởng có thể luân chuyển, được hướng dẫn và nở rộ.

Tiến sĩ Kok nhấn mạnh rằng không thể có đổi mới hay sáng tạo nếu như thiếu đi tư duy thách thức hiện trạng và chấp nhận rủi ro, cho dù là trong lĩnh vực kinh doanh, công nghệ hay công tác xóa đói giảm nghèo. 

“Sự chuyển biến năng động của nền kinh tế Việt Nam cùng với lực lượng lao động đa dạng và đa thế hệ đang tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong tương lai”, Tiến sĩ Kok nói. “Kết hợp cùng các sáng kiến đa dạng của Chính phủ và khu vực, vị thế của Việt Nam ở châu Á và tiềm năng của nguồn nhân lực Việt đang ngày càng được khẳng định”.

Tiến sĩ Kok đề xuất một số tư duy đổi mới sáng tạo quan trọng với các lãnh đạo doanh nghiệp và lực lượng lao động hiện đại 

• Đừng hài lòng với hiện tại mà hãy “đứng ngồi không yên”; 
• Không chỉ nói mà hãy sẵn sàng lắng nghe ý kiến của người khác; 
• Mơ mộng là cần thiết, nhưng bạn cũng cần biết thử nghiệm và phân tích; 
• Nhận ra cả tính đa dạng về con người, và sự đa dạng trong các ý tưởng đều là cơ hội; 
• Đầu tư vào con người và ý tưởng của họ; 
• Tạo hệ sinh thái nơi các ý tưởng có thể nảy nở; 
• Dùng xung đột sáng tạo tích cực làm phương tiện để thúc đẩy các ý tưởng mới; 

Có thể bạn quan tâm