Việc hợp nhất tế bào não người với AI là nội dung chính của Dự án nghiên cứu về việc nuôi tế bào não người trên chip silicon có khả năng học hỏi liên tục nhằm mục đích chuyển đổi kỹ thuật học máy. Đây là Dự án do Đại học Monash (Úc) dẫn đầu và vừa nhận được khoản tài trợ gần 600.000 đô la Úc (khoảng 9,6 tỷ VNĐ) từ Chương trình Tài trợ các Nghiên cứu Khám phá Tình báo và An ninh Quốc gia Úc.
Hướng tới thế hệ chip "học hỏi liên tục suốt đời"
Cụ thể, Dự án nghiên cứu này do phó giáo sư Adeel Razi đến từ Viện Nghiên cứu Não bộ và Sức khỏe Tâm thần Turner (Đại học Monash) dẫn đầu, cùng với công ty start-up Cortical Labs tại Melbourne phối hợp thực hiện. Các nhà khoa học nuôi cấy khoảng 800.000 tế bào não sống trong một môi trường độc lập, sau đó “dạy” chúng thực hiện các nhiệm vụ mục tiêu.
Theo phó giáo sư Adeel Razi, chương trình nghiên cứu sử dụng các tế bào não nuôi cấy trong phòng thí nghiệm được gắn vào chip silicon nhằm kết hợp các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và sinh học tổng hợp để tạo ra các nền tảng điện toán sinh học có thể lập trình được.
“Khả năng của công nghệ mới này trong tương lai có thể vượt qua hiệu suất của phần cứng làm từ silicon hiện có. Kết quả của nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng đối với nhiều lĩnh vực như hoạch định, robot học, tự động hóa tiên tiến, giao diện máy tính - não và nghiên cứu phát triển thuốc, mang lại cho Úc nhiều lợi thế mang tính chiến lược” - phó giáo sư Razi cho biết.
Cũng theo phó giáo sư Razi, lý do khiến dự án nghiên cứu này nhận được tài trợ từ tổ chức tài trợ uy tín của Úc là bởi các thiết bị ứng dụng học máy mới như ô tô và xe tải tự lái, máy bay không người lái tự hành, robot giao hàng, thiết bị cầm tay và thiết bị đeo thông minh sau này sẽ cần đến một loại trí tuệ nhân tạo mới để có thể học hỏi liên tục trong suốt vòng đời của nó.
“Học hỏi liên tục suốt đời” có nghĩa là máy móc có thể tiếp nhận các kỹ năng mới mà không ảnh hưởng đến các kỹ năng cũ, thích nghi với những thay đổi và áp dụng kiến thức đã học trước đó vào các nhiệm vụ mới. Chúng làm tất cả những việc đó trong khi vẫn bảo tồn các tài nguyên hạn chế như năng lực tính toán, bộ nhớ và năng lượng.
AI hiện tại không thể làm được điều này vì chúng mắc phải vấn đề lãng quên. Trong khi đó, não bộ hoàn toàn vượt trội về khả năng học tập liên tục suốt đời.
“Chúng tôi sẽ sử dụng khoản tài trợ này để phát triển các máy móc AI có thể sao chép khả năng học tập của mạng lưới thần kinh sinh học. Điều này sẽ giúp chúng tôi nâng cao cấu trúc và khả năng của phần cứng đến khi chúng đủ khả năng thay thế cho phương pháp phân tích bằng máy tính” - phó giáo sư Adeel Razi cho biết.
Tiềm năng rộng mở của AI lai tạo
Mới năm ngoái, nhóm nghiên cứu đã gây chú ý trên toàn cầu khi các tế bào não mà họ nuôi cấy thực hiện được trò chơi bóng bàn Pong đơn giản trên máy tính.
Theo đó, Cortical đã kết hợp sinh học tổng hợp và tế bào thần kinh của con người để phát triển thứ mà họ gọi là một loại trí tuệ nhân tạo riêng biệt, được gọi là “Trí tuệ Organoid” (OI).
Họ đã huy động được vòng tài trợ trị giá 10 triệu đô la do Horizons Ventures dẫn đầu, với sự tham gia của LifeX (Life Extension) Ventures, Blackbird Ventures, Radar Ventures và In-Q-Tel.
Theo một bài viết trên Techcrunch hồi tháng 4/2023 vừa qua, Công ty tuyên bố đang trong quá trình hoàn thành các đơn đặt hàng cho công nghệ của mình.
"Cách thức hoạt động của họ là sử dụng các cụm tế bào thần kinh được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm từ các tế bào gốc của con người để tạo thành cái gọi là “DishBrain”, sau đó được tích hợp với silicon để tạo ra một thứ được mô tả là Hệ điều hành trí tuệ sinh học (biOS)..." - bài viết trên Techcrunch cho biết.
Nhiều chuyên gia gọi đây là tương lai của AI, vì tế bào thần kinh của con người có thể tốt hơn bất kỳ mô hình AI kỹ thuật số nào về trí thông minh tổng quát, do chúng tự lập trình và yêu cầu mức tiêu thụ năng lượng ít hơn nhiều.
Còn theo Hon Weng Chong - Giám đốc điều hành và người sáng lập Cortical Labs, tiềm năng mà AI lai tạo đáp ứng mô hình sinh học tổng hợp có thể mở ra là vô hạn....