Thông tin từ Đại học
Sinh viên Mai Hoàng Mỹ Hảo (ngành Kinh doanh) - trưởng nhóm - cho biết: Ứng dụng có tên gọi HebiLife, nhằm giúp nhóm có thu nhập thấp có thể tiếp cận với bảo hiểm sức khỏe vi mô tốt hơn. Theo số liệu nhóm thu thập được, chỉ có 0,09% người dân tiếp cận được với bảo hiểm y tế vi mô tại Việt Nam và tại các quốc gia khác trên thế giới con số này là dưới 30%.
“Chúng tôi đã áp dụng blockchain và hợp đồng thông minh để lưu trữ và xử lý tất cả dữ liệu quan trọng của bệnh nhân nhằm truy cập và theo dõi thông tin bệnh nhân, xác thực hồ sơ y tế từ bệnh viện, xác nhận danh tính và tình trạng tài chính của họ với các bên liên quan khác thông qua các nền tảng xác minh đa tầng, cũng như yêu cầu bồi thường bảo hiểm và báo số tiền chi trả tự động. Những tính năng này được thiết kế nhằm giúp người có hoàn cảnh khó khăn giảm chi phí chăm sóc sức khỏe thông qua việc sử dụng công nghệ bảo hiểm vi mô”, Hảo nói.
Theo đại diện nhóm, khó khăn lớn nhất là các bạn chỉ có kiến thức cơ bản về blockchain. Sau khi được công bố là 1 trong 3 đội đứng đầu tại Việt Nam, nhóm đã phải thi đấu với 60 đội, không chỉ là các bạn sinh viên đồng trang lứa mà còn có cả những anh/chị đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh và công nghệ, từ hơn 15 quốc gia ở Bắc Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi, mang dến những áp lực không nhỏ.
Nhận xét về bài thi của nhóm, ông Gabriel Chan - Tổng thư ký Hiệp hội Blockchain Hồng Kông, thành viên ban tổ chức cuộc thi - cho biết: Nhóm sinh viên RMIT đã trình bày một dự án chặt chẽ và thể hiện được trách nhiệm với xã hội.
Quyền chủ nhiệm bộ môn Tài chính Tiến sĩ Nguyễn Thanh Bình và là cố vấn của đội dự thi cho biết tích lũy kinh nghiệm quốc tế là cách tích cực để bồi đắp người học thông minh trong thế kỷ 21.
“Tại RMIT, chúng tôi chú trọng đem đến những cơ hội học tập nhằm hỗ trợ sinh viên trong cuộc sống và công việc, giúp các bạn sẵn sàng cho một tương lai sẽ được định hình bởi những thay đổi mạnh mẽ về kỹ thuật số”, ông nói.