Báo cáo mới nhất từ công ty công nghệ di động Upstream cho thấy trong quý 1/2020 số lượng ứng dụng độc hại trên Android tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, từ 14.500 phần mềm lên 29.000. Các giao dịch bị liệt kê dạng lừa đảo tăng 55% trong cùng giai đoạn, đánh dấu 290 triệu giao dịch bị chặn.
Upstream cũng cho biết có tới 89% giao dịch thực hiện từ tháng 1 tới tháng 3 là lừa đảo. Số thiết bị Android bị nhiễm các chương trình độc hại tăng từ 10,5 triệu lên 11,2 triệu máy trong 3 tháng đầu năm nay.
Đáng chú ý, có tới 9 trong 10 phần mềm độc hại hàng đầu của quý 1/2020 lại khả dụng trên Google Play Store. Năm ngoái chỉ có 30% trong số 100 ứng dụng khả nghi được tìm thấy trên kho phần mềm chính thức dành cho Android từ Google.
Đại dịch Covid-19 là yếu tố bị tin tặc lợi dụng nhiều nhất để triển khai các chiến dịch tấn công người dùng trong giai đoạn này. Có tới 60% ứng dụng độc hại giả danh phần mềm thông dụng cung cấp cho người dùng những giải pháp, hoạt động tại nhà trong giai đoạn bị cách ly để tránh dịch. Đa phần trong số này thuộc danh mục “Chương trình chơi và chỉnh sửa video”, “Tin tức và Tạp chí”, “Game”, “Xã hội”.
Một trong số những ứng dụng bị phát hiện là trình tải video Snaptube. Ứng dụng này từng bị cảnh báo trên Phone Arena hồi tháng 10/2019 và giờ đây đã đạt hơn 40 triệu lượt tải. Sau khi được tải về và cài đặt trên thiết bị Android, Snaptube sẽ tự đăng ký một tài khoản dịch vụ trả phí mà không cần sự đồng ý của nạn nhân, đồng thời tải và click vào các quảng cáo do chính chương trình này tạo ra. Năm 2019, có tới 70 triệu giao dịch lừa đảo được thực hiện bởi Snaptube (một nửa trong số này đến từ Brazil) và có 32 triệu lượt giao dịch bị chặn.
Website của Snaptube tuyên bố ứng dụng có hơn 300 triệu lượt tải dù phần mềm này đã bị gỡ khỏi Play Store. Chương trình vẫn tồn tại trên AppGallary của Huawei, GetApps của Xiaomi và nhiều gian ứng dụng khác dành cho Android.