Bên cạnh nền web, người dùng thường tìm tới các ứng dụng liên quan đến Black Friday để cập nhật các thông tin giảm giá. Nắm được nhu cầu này, nhiều kẻ xấu đã phát triển các ứng dụng "núp bóng" tiện ích, nhưng thực tế là lừa người dùng để đánh cắp thông tin.
Theo một nghiên cứu của công ty an ninh mạng RiskIQ, cứ khoảng 25 ứng dụng liên quan đến Black Friday thì có một ứng dụng lừa đảo. Chúng được tạo ra để lừa người dùng tiết lộ thông tin cá nhân, thẻ tín dụng hoặc ngầm cài phần mềm độc hại lên smartphone, tablet... sau đó đánh cắp dữ liệu hoặc mã hóa dữ liệu để đòi tiền chuộc.
Kết quả được thống kê dựa trên 4.356 ứng dụng được tìm kiếm với từ khóa "black friday". Chúng chủ yếu được thiết kế tương tự ứng dụng uy tín hoặc được giới thiệu rất nhiều tiện ích nhưng trên thực tế chỉ nhằm mục đích lừa đảo. Đa phần chúng được phát tán trên các cửa hàng ứng dụng bên thứ ba, rất ít lọt vào Play Store hay App Store bởi cơ chế kiểm duyệt gắt gao của Google và Apple.
"Trong con mắt của tội phạm mạng, mùa mua sắm cuối năm là cơ hội không thể tuyệt vời hơn. Những ứng dụng mà chúng tạo ra luôn tạo cảm giác 'an toàn' để người dùng tải về, nhưng đằng sau đó là sự nguy hiểm khôn lường", Mike Wyatt, Giám đốc mảng sản phẩm của RiskIQ, cho biết.
Mặc dù những con số trên được đánh giá là nghiêm trọng, nhưng theo Chester Wisniewski, nhà nghiên cứu thuộc công ty an ninh mạng Sophos, phát hiện này RiskIQ không đáng ngạc nhiên. "Tôi chỉ ngạc nhiên là con số này quá thấp so với những gì tôi biết", Wisniewski nói.
Theo Consumer Reports, người dùng nên cẩn trọng với ứng dụng giả để tránh "tiền mất tật mang". Cụ thể, không nên tải các ứng dụng từ các cửa hàng bên thứ ba, xem xét kỹ ứng dụng, nếu nghi ngờ thì tốt nhất không nên tải về, cân nhắc nhập vào thông tin cá nhân, số tài khoản thẻ tín dụng... Ngoài ra, nên chọn các ứng dụng mua sắm uy tín, được đánh giá tích cực trên Play Store và App Store hoặc ứng dụng được khuyến cáo trên website mua sắm của hãng đó.