Ứng dụng nhắn tin của Xiaomi 'học tập' Clubhouse

Ứng dụng nhắn tin của Xiaomi 'học tập' Clubhouse
Tạp chí Nhịp sống số - Theo SCMP, Xiaomi vừa biến ứng dụng nhắn tin MiTalk của công ty thành nền tảng trò chuyện âm thanh tương tự Clubhouse.

Ngày 19/2, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc thông báo trên Weibo rằng MiTalk sẽ tạm ngừng hoạt động "do những thay đổi trong kinh doanh". Chưa được bao lâu, Xiaomi đã lên kế hoạch trình làng ứng dụng mới tên Jushou (nghĩa là giơ tay).

Công ty giới thiệu đây là nền tảng "dành cho các chuyên gia phát biểu ý kiến và chia sẻ quan điểm". Trong giai đoạn thử nghiệm, ứng dụng Jushou hoạt động với cơ chế lời mời tương tự Clubhouse và chỉ cho phép một lượng thành viên giới hạn truy cập. Thành viên có thể tham gia những phòng chat thảo luận tương tự Clubhouse bằng cách nhấn vào biểu tượng bàn tay để được trưởng nhóm chat chú ý.

Nhà phân tích Ge Jia cho biết: "Xiaomi không có lợi thế về mạng xã hội. MiTalk tung ra trước WeChat nhưng không thể lớn mạnh".

MiTalk xuất hiện từ năm 2010 nhưng không phổ biến với người dùng Xiaomi. MiTalk còn tụt lại sau người em WeChat dù ứng dụng này đến năm 2011 mới được Tencent tung ra thị trường.

Về bản chất, MiTalk hoạt động như mọi ứng dụng nhắn tin khác, cho phép người dùng trò chuyện, gửi tệp, gọi audio, video. Theo tờ Southern Metropolis Daily, ngay sau khi MiTalk ra mắt lần đầu tiên, CEO Xiaomi cũng cảnh báo nếu Tencent trình làng sản phẩm tương tự thì "cơ hội thành công của MiTalk sẽ giảm đáng kể". Và những gì CEO Lôi Quân lo sợ đã thành sự thật.

Công ty App Annie cho biết MiTalk không hề nằm trong danh sách 500 ứng dụng xã hội hàng đầu trên iOS ở Trung Quốc ngay cả trước khi đóng cửa. Còn WeChat luôn đứng đầu danh sách với 1,1 tỉ người dùng hoạt động hằng ngày.

Kể từ khi Clubhouse bị chặn ở Trung Quốc, nhiều công ty địa phương bắt đầu bước vào cuộc đua tạo ra những ứng dụng theo mô hình Clubhouse, tiêu biểu có Two, Dizhua hay Duihuaba - ứng dụng vừa bị công ty Inke thu hồi vào tuần trước.

Tuy nhiên, Ge Jia cho rằng mô hình Clubhouse sẽ không lớn mạnh ở Trung Quốc. Người này nhận định: "Trò chuyện âm thanh đã có ở đây hơn 20 năm trước, không có gì sáng tạo. Mạng xã hội Trung Quốc tiện lợi và tiên tiến hơn Mỹ nên chúng tôi không cần một sản phẩm như vậy nữa".

 

Có thể bạn quan tâm