"Vaccine Số" - để thế giới ảo không mang đến những tổn thương thực thể

Tạp chí Nhịp sống số - “Sống số lành mạnh” là chủ đề của buổi thảo luận trực tuyến, diễn ra vào 20:00 tối chủ nhật (ngày 07/11) vừa qua. Đây là hoạt động đầu tiên trong chiến dịch Vaccine Số do TikTok phát động

Mặc dù Internet đang phát triển với tốc độ chưa từng có và mang đến nhiều ích lợi trong mọi mặt của đời sống xã hôi, nhưng đi cùng đó là những hệ lụy không nhỏ từ mặt trái của công nghệ giao tiếp và truyền thông. Đây là nội dung được đề cập đến trong buổi phát trực tiếp, với chủ đề về tầm quan trọng của quyền riêng tư và bảo mật dành cho đối tượng thanh thiếu niên.

Buổi phát được thực hiện bởi Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam, Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và TikTok trong khuôn khổ chiến dịch Vaccine Số. 

Sau phần câu hỏi trắc nghiệm phổ biến kiến thức chung, MC Diễm Linh đã cùng các khách mời khái quát hoá về các nguy cơ có thể ảnh hưởng tới quyền riêng tư và bảo mật của trẻ vị thành niên trên không gian số.

Buổi phát trực tiếp có sự góp mặt của bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH); bà Nguyễn Phương Linh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững; ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam; Nhà báo Hoàng Anh Tú và Nhà sáng tạo nội dung Nguyễn Hải Ninh

Ông Nguyễn Lâm Thanh - Đại diện TikTok Việt Nam - chia sẻ: “Tôi không phủ nhận ưu điểm to lớn của Internet nhưng không thể không lưu ý trước những mặt trái. Ngoài chuyện tin giả, thông tin tiêu cực thì người dùng còn dễ bị xâm hại quyền riêng tư và bảo mật như bị đánh cắp thông tin, bôi nhọ, lừa đảo qua mạng… Với đối tượng trẻ vị thành niên thì càng nguy hiểm hơn do các em chưa có đủ nhận thức. Chính vì vậy phụ huynh, giáo viên, toàn thể xã hội và các nền tảng đang không ngừng nỗ lực để hỗ trợ, bảo vệ, giáo dục các em”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững - cũng nhấn mạnh: “Thanh thiếu niên đang là độ tuổi dễ tiếp cận Internet, nhưng cũng dễ bị tổn thương, bị ảnh hưởng tiêu cực nhất. Sự xâm hại đến quyền riêng tư và bảo mật của các em có thể dẫn tới các hệ luỵ về cả thể chất lẫn tinh thần như xấu hổ, tự ti, bất an, mệt mỏi…”.

Để phòng tránh những trường hợp không đáng có, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội cho rằng, thanh thiếu niên, phụ huynh, giáo viên cùng những đối tượng liên quan cần nhận thức được tầm quan trọng của quyền riêng tư và bảo mật trong môi trường mạng. “Trong thời đại 4.0, mọi thông tin con trẻ đăng lên mạng đều rất dễ bị kẻ xấu lưu về, lan truyền rộng rãi, vậy nên cần cài đặt đối tượng cũng như quyền riêng tư thật cẩn thận. Ngoài ra, trẻ dưới 18 tuổi chưa thể tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình cũng như không đủ kiến thức về những vấn đề bảo mật và quyền riêng tư này, nên cần sự trợ giúp của phụ huynh cũng như thầy cô giáo, người lớn có trách nhiệm xung quanh để giúp đỡ các em”.

Xuất phát từ các kiến thức nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm của người làm cha, Nhà báo Hoàng Anh Tú đã chia sẻ quan điểm về việc nuôi dạy con văn minh - cởi mở thời hiện đại cần đến những phương pháp khéo léo: “Việc kết bạn với con trên mạng xã hội là một việc cần có sự tinh tế, chừng mực để sao cho con thấy mình là ‘người bạn’ dễ dàng tâm sự, nhờ cậy, chứ không phải ‘sợ’ mình.

Thay vì kiểm soát, cấm đoán, phụ huynh có thể thường xuyên nhắc nhở con bảo vệ tài khoản, chia sẻ những tài liệu về quyền riêng tư. Ngoài ra, các bố mẹ nên khuyên con thay đổi mật khẩu các tài khoản thường xuyên, không đặt trùng lặp; bật bảo vệ hai lớp; cài đặt quyền riêng tư cho bài đăng… Và không thể thiếu khoản tự trau dồi, chúng ta cần là một chuyên gia trước tiên đã, để khi còn cần giúp đỡ là có thể gỡ rối cho các con”.

Bà Nguyễn Phương Linh nhấn mạnh thêm vai trò của các giáo viên trên không gian mạng, đồng thời kêu gọi ý thức từ những người dùng Internet: “Không chỉ thanh thiếu niên, phụ huynh, giáo viên mà toàn thể người dùng Internet cần ‘Think before you do’ - tức là có sự cân nhắc kỹ trước bất kỳ câu nói, hình ảnh, hành động nào trên mạng. Khi xác định rõ giới hạn và đối tượng chia sẻ là bạn đã siết chặt quyền riêng tư và bảo mật ở cấp độ cao hơn”.

Tổng kết lại Buổi phát trực tiếp, ông Nguyễn Lâm Thanh đã chia sẻ về những cam kết và nỗ lực của TikTok trong việc đảm bảo môi trường “sống số lành mạnh” trên không gian mạng dành cho tất cả người dùng, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên: “TikTok đã giới thiệu một số tính năng an toàn, trao quyền cho người dùng chủ động kiểm soát tài khoản và nội dung của chính mình. Bằng cách này, những người dùng vị thành niên có thể kiểm soát chặt quyền riêng tư và bảo mật. Với các tài khoản được cài đặt ở trạng thái riêng tư, chỉ những tài khoản được người dùng phê duyệt mới có thể theo dõi, xem các video, và nhắn tin trực tiếp. Ngoài ra, Bộ lọc bình luận, Quản lý thời gian truy cập, Chế độ Hạn chế và tính năng Báo cáo trong ứng dụng cũng là những tính năng an toàn vừa được cập nhật trong thời gian vừa qua”.

Có thể bạn quan tâm