Vay 30 triệu qua app, bị lừa gần 200 triệu đồng

Vay 30 triệu qua app, bị lừa gần 200 triệu đồng
Tạp chí Nhịp sống số - Đây là trường hợp một cô gái ở Hà Nội bị lừa khi vay tiền trực tuyến. Tương tự, nhiều người dân cả tin cũng sa bẫy trước những lời mời chào "vay tiền qua mạng với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí là được giải ngân"...

Theo thông tin từ Công an TP. Hà Nội, ngày 26/8/2022, Công an xã Thanh Mai, huyện Thanh Oai tiếp nhận đơn trình báo của chị T (SN 1994; trú tại: Thanh Oai, Hà Nội) về việc bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi vay tiền online. 

Theo đơn trình báo, do có nhu cầu vay tiền, chị T đã lên mạng internet để tìm kiếm. Sau khi truy cập vào app vay tiền, chị T có đăng ký vay 30 triệu. Để nhận được tiền, chị được nhân viên hướng dẫn phải đóng thêm tiền mới được giải ngân. Sau đó chị T đã gửi gần 200 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng nhưng không lấy được khoản vay. Lúc này chị T mới biết mình bị lừa và đến cơ quan Công an trình báo.

Hiện Công an huyện Thanh Oai đang phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 200 triệu đồng nêu trên.

Theo Công an Hà Nội, thời gian qua, mặc dù đã có nhiều cảnh báo về việc giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn còn có người sập bẫy của các đối tượng. Đa phần đó thường là những người ít cập nhật thông tin xã hội, báo chí.

Trước đó, CATP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội, app vay tiền. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Chiêu lừa đảo vay tiền online đã diễn ra nhiều năm nay song hàng năm vẫn có nhiều khách hàng sập bẫy. 

Trước đó, chị N.H.H (Khánh Hòa) cho hay, cuối tháng 8/2021, chị được một người tự xưng Lưu Văn Tài, nhân viên của ứng dụng (app) VIP Cash. Theo Tài, VIP Cash là một app liên kết với Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), đồng thời cho hay, VIP Cash cùng với MB đang có chương trình cho vay ưu đãi khách hàng mùa dịch. Theo đó, khách hàng được vay tới 100 triệu đồng không cần tài sản thế chấp, lãi vay chỉ 0,5%/năm, thậm chí nếu nhập mã do nhân viên cung cấp thì còn được miễn lãi 3 tháng đầu.

Thấy lãi suất hời, chị H. lập tức đồng ý và cung cấp mọi giấy tờ nhân thân để đối tượng này làm hồ sơ vay. Hồ sơ của chị H. được công ty lập tức giải ngân và cho biết đã rót tiền vào tài khoản mà chị H. đã mở trên app. Đối tượng còn chụp lại ảnh bằng chứng về việc công ty đã giải ngân cho chị 100 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi chị đăng nhập app để rút tiền thì app liên tục báo lỗi. Đối tượng Tài gọi điện cho chị H và thông báo, chị H gửi sai số tài khoản nên khoản tín dụng đang bị treo và yêu cầu chị H đặt cọc 20% số tiền vay (20 triệu đồng) vào tài khoản công ty để làm tin, sau đó công ty sẽ chuyển lại cho chị 100 triệu đồng cùng 20 triệu đồng tiền đặt cọc của chị. Đối tượng còn gửi cho chị H. một công văn có dấu đỏ của Ngân hàng MB với nội dung yêu cầu khách hàng chuyển 20% khoản vay vào tài khoản để xác minh tài khoản.

Tuy nhiên, ngay sau khi chị H. đóng 20 triệu đồng vào tài khoản mà đối tượng cung cấp thì đối tượng trên cũng chặn zalo. Khi lần tới địa chỉ công ty mà đối tượng cung cấp, chị H mới biết đây là địa chỉ ảo. Trong khi đó, phía MB khẳng định, ngân hàng không liên kết với app cho vay online nào và cũng không bao giờ bắt khách hàng đặt cọc khi giải ngân.

Danh sách các app bị khách hàng điểm mặt tố cáo lừa đảo rất nhiều: Netfin Credit, CEO Finance, Space, Simple Loan, Mg Credit, Modern Credit, UBS Credit, Handy Cash

Có thể bạn quan tâm