Vì sao S-Fone mà chưa được hưởng "cái chết nhân đạo"?

Vì sao S-Fone mà chưa được hưởng
Tạp chí Nhịp sống số - Mặc dù đã hơn 4 năm ngừng hoạt động, nhưng S-Fone vẫn chưa được phép "khai tử", trong một tình thế bối rối cho cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp

Vì sao S-Fone chết lâm sàng mà chưa được cho phép chết

Sau hơn 4 năm lắt lay, S-Fone vẫn cần có một “lệnh phán xét cuối cùng” để giải quyết vấn đề pháp lý cho chính các bên tham gia Dự án BCC S-Fone, nhiều doanh nghiệp đang là chủ nợ của S-Fone, người lao động từng làm việc cho S-Fone.... đồng thời sớm thu hồi tần số đã cấp để tránh lãng phí tài nguyên.

Câu chuyện bắt đầu khi năm 2001, SK Telecom (Hàn Quốc) và Công ty cổ phần Dịch vụ Bưu chính - Viễn thông Sài Gòn (SPT) ra mắt dự án mạng di động S-Fone, với vốn đầu tư ban đầu là 230 triệu USD theo hình thức Hợp đồng Hợp tác kinh doanh (BCC - Business Cooperation Contract). Lúc đó, S-Fone tiên phong trong việc triển khai mạng điện thoại di động sử dụng công nghệ CDMA 2000-1x EV-DO tại Việt Nam.

Hai năm sau, S-Fone với đầu số 095 đã nhanh chóng phủ sóng khắp cả nước và là nhà mạng đầu tiên cung cấp 3G tại Việt Nam. Tháng 5/2007, các bên hợp doanh đã ra tuyên bố nâng tổng vốn đầu tư hạ tầng cho S-Fone lên 543 triệu USD.

Đến năm 2008, S-Fone có hơn 3,1 triệu thuê bao. Nhưng đó cũng là thời điểm công nghệ CDMA bị “khai tử” tại nhiều quốc gia trên thế giới. S-Fone dần tuột dốc và bị các nhà cung cấp dịch vụ di động dùng công nghệ GSM như VinaPhone, MobiFone, Viettel bỏ rơi lại phía sau.

Tháng 8/2009, SK Telecom đã thông báo chấm dứt hợp tác đầu tư vào S-Fone với lý do là lợi nhuận thấp và tốc độ phát triển thuê bao chậm.

Đến cuối năm 2009, S-Fone xin chuyển đổi mô hình kinh doanh từ BCC sang liên doanh.

Sau đó, S-Fone ngày càng hoạt động một cách khó khăn, lượng thuê bao rời bỏ mạng ngày càng nhiều, doanh thu của nhà mạng ngày càng xuống thấp.

Sang năm 2011, S-Fone đã cắt dần các trạm BTS trên toàn quốc và chỉ giữ lại vùng phủ sóng ở Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM… đồng thời lâm vào cảnh nợ nần các đối tác, không có khả năng thanh toán cũng như không thể chi trả lương, bảo hiểm, phúc lợi cho nhân viên.

Đầu năm 2012, SPT xác định kế hoạch “thay máu” công nghệ, khai tử CDMA để chuyển sang công nghệ HSPA (3G) với băng tần 850 MHz. Muốn thay đổi công nghệ mới, phải có khoản đầu tư rất lớn, tới hàng trăm triệu USD, nhưng S-Fone không tìm được đối tác cùng đầu tư.

Tháng 7/2012, S-Fone bất ngờ ngừng hợp đồng với toàn bộ nhân viên. Tất cả các điểm giao dịch đều đóng cửa. Website chính thức của S-Fone ngừng hoạt động.

Tháng 12/2012, lãnh đạo doanh nghiệp này xác nhận, S-Fone đã mất khả năng chi trả. Từ đó đến nay, S-Fone  gần như đã chấm dứt sự tồn tại của mình trên thị trường, giờ chỉ còn lại cái tên và số phận của nó vẫn chưa được định đoạt.

Đến thời điểm hiện tại, công nghệ và hạ tầng của S-Fone gần như không còn giá trị gì. Giá trị còn lại của S-Fone chỉ là tài nguyên tần số 850 MHz mà mạng này được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp. Băng tần này khá có giá trị ở thời điểm hiện tại, khi các nhà mạng khác đang cần băng tần để triển khai 3G, 4G. Nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp tốt nhất cho S-Fone là tuyên bố phá sản và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thu hồi được tần số.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, việc S-Fone chuyển từ hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) sang mô hình Liên doanh và nếu tuyên bố phá sản sẽ phải trải qua nhiều thủ tục rất phức tạp. Trong đó, quan trọng nhất là các thủ tục thanh lý hợp đồng lao động, nợ lương, bảo hiểm xã hội cho người lao động, các khoản nợ của các đối tác… Vấn đề “đau đầu” nhất là xử lý việc “khai tử” S-Fone ra sao, khi đối tác nước ngoài hiện đã rút khỏi BCC và SPT hiện đang “đứng mũi chịu sào”, đồng thời là cổ đông chính của S-Fone hiện nay.

Ở thời điểm hiện tại, khi S-Fone khó có thể chuyển nhượng lại cho đối tác mới và việc thực hiện phá sản, nếu diễn ra, là khá phức tạp và chưa từng có tiền lệ cho một liên danh viễn thông đang khiến cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý nhà nước bối rối.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.