Trong tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi do Bộ Tài chính gửi lên Chính phủ, một trong những đề xuất đáng chú ý là bổ sung dịch vụ trò chơi điện tử trên Internet (game online) vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đề xuất cho rằng trò chơi điện tử tạo ra doanh thu, lợi nhuận lớn so với các loại hình kinh doanh khác, thu hút sự tham gia của mọi độ tuổi tầng lớp dân cư, đặc biệt là giới trẻ, do đó cần nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để định hướng tiêu dùng. Các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến xung quanh dự thảo này.
Ngành game Việt đang chịu nhiều định kiến
Ông Đậu Anh Tuấn-Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định trong xã hội hiện có nhiều quan điểm khác nhau về game online, trong đó vẫn có những định kiến cũng như các lo ngại tác động tiêu cực như mất thời gian, ảnh hưởng đến trẻ em, ít vận động… Tuy nhiên, nhiều game online hiện đang được xây dựng theo hướng vừa chơi vừa học, giúp người chơi phát triển trí tưởng tượng tư duy, khả năng phản xạ.
"Do vậy, cần có đánh giá nhiều chiều, tác động nhiều mặt khi quyết định đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với game online," ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.
Lý giải về góc nhìn của Bộ Tài chính, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng sở dĩ vẫn còn những cái nhìn ác cảm đối với game online bởi một số vấn đề rủi ro đi kèm. Đó là tình trạng phát hành game lậu, khả năng gây nghiện và tác động tới sức khỏe tinh thần của game online.
Tuy vậy, theo khảo sát của Tiến ssỹ Cấn Văn Lực, tựu chung đa số các nước trên thế giới đều chưa đánh thuế với game, kể cả những nước phát triển như Singapore, Mỹ, châu Âu. Thay vào đó, họ đưa ra một số chính sách khác nhằm điều tiết hành vi của người tiêu dùng.
Còn theo Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG Lã Xuân Thắng, ngành game ở Việt Nam đang phải đối diện với nhiều định kiến.
"Suốt nhiều năm qua, xã hội và cộng đồng vẫn dành cho game cái nhìn không thật sự thiện cảm, cho rằng chứa các nội dung không lành mạnh, bạo lực, ảnh hưởng lệch lạc, tiêu cực tới giới trẻ, không được khuyến khích phát triển như các ngành giải trí-sáng tạo nội dung số khác," ông nói.
Theo ông Thắng, thực tế đây là một ngành kinh doanh có điều kiện, được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, có sự phân loại độ tuổi rất rõ ràng và khuyến cáo người dùng trước khi sử dụng. Nó cũng thúc đẩy công nghiệp phần cứng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động, các loại chip xử lý, card đồ hoạ, các thiết bị nghe nhìn phụ trợ. Thị trường phần cứng dành riêng cho Game đạt 36 tỷ USD trong năm 2022 và là nguồn thu quan trọng của các công ty phần cứng lớn trên thế giới.
Hầu hết các trường đại học lớn, các viện đào tạo công nghệ có uy tín trên thế giới đều có các khoa nghiên cứu, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành game. Tại Việt Nam, đã có nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho ngành game như Đại học RMIT, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Thể dục thể thao. Các cuộc thi lập trình, sáng tạo cho ngành game tại các trường cấp 3, các trường Đại học, cao đẳng luôn thu hút được số lượng đông đảo các đội dự thi và chất lượng rất tốt.
Một tác động thầm lặng khác của game chính là hàm lượng trí tuệ, chất xám rất cao, thậm chí là dẫn dắt các xu hướng công nghệ mới. Một số công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng chuỗi khối (blockchain), tương tác thực tế ảo (AR), thực tế ảo (VR) đều được thử nghiệm và ứng dụng trong ngành game gần như đầu tiên, trước khi được ứng dụng rộng rãi trong các ngành khác như y tế, giáo dục hay tài chính.
Thể thao điện tử, hay esports - một loại hình trò chơi trực tuyến, có thể coi là bộ môn thể thao phổ biến hàng đầu thế giới hiện nay, chỉ sau bóng đá.
Đánh thêm thuế là "bảo hộ ngược"?
Theo thống kê của Data.ai, đơn vị cung cấp dữ liệu hàng đầu thế giới, trong số 10 tựa game di động có số lượng người chơi lớn nhất tại Việt Nam thì hơn 50% được cung cấp bởi nhà phát hành có trụ sở nước ngoài, tức là không phát sinh bất cứ nghĩa vụ nào, bao gồm thuế với Việt Nam.
Số liệu từ Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đưa ra vào cuối tháng Ba cũng nêu rõ: Hiện có hơn 220 doanh nghiệp game được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam, nhưng số còn thực sự hoạt động, cung cấp game ra thị trường chỉ còn 30.
Thực tế, 78% doanh thu game tại Việt Nam năm 2022 thuộc về các nhà cung cấp ngoài lãnh thổ Việt Nam và không quản lý được. Chỉ có 22% doanh thu game là của doanh nghiệp trong nước, cung cấp các game được cấp phép. Do vậy, theo các doanh nghiệp, coi game online có doanh thu lớn và lợi nhuận cao là không đúng thực tế.
Ông Lã Xuân Thắng cho rằng nếu bị áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt thì những game do công ty trong nước cung cấp sẽ bị đội giá lên cao. Người chơi sẽ chuyển sang chơi game do các công ty có trụ sở ở nước ngoài cung cấp vì có giá rẻ hơn hẳn.
Việc này sẽ có hai hệ luỵ: Thứ nhất là không đạt được mục đích khi áp thuế là hạn chế người chơi game; thứ hai là doanh thu/lợi nhuận của doanh nghiệp trong nước, hoạt động phù hợp với pháp luật Việt Nam sẽ bị giảm mạnh, không thể đóng góp nhiều cho nền kinh tế số và ngành công nghiệp phần mềm trong nước.
Theo bà Nguyễn Thuỳ Dung-Giám đốc SohaGame, đa số các doanh nghiệp có mức doanh thu tương đối với lợi nhuận thấp, đặc biệt từ năm 2021 đến nay. Mức doanh thu (tạm gọi) cao chỉ giới hạn với số ít doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, mức doanh thu cao hoặc tương đối đó đều tỷ lệ thuận với chi phí bỏ ra. Phần lớn các trò chơi trên thị trường Việt Nam đều được các doanh nghiệp trong nước trả chi phí bản quyền và chia sẻ doanh thu cho các nhà phát triển nước ngoài, với tổng tỷ lệ từ 25-35% doanh thu.
Trên thị trường đang tồn tại các trò chơi được Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định cấp phép, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các trò chơi không phép do các nhà phát triển nước ngoài cung cấp dịch vụ qua biên giới.
Nếu như chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng, người dùng dịch chuyển sang sử dụng các trò chơi không phép do chi phí tiêu dùng thấp, doanh nghiệp trong nước đang kinh doanh trò chơi có phép sẽ có nguy cơ giảm mạnh doanh thu, giải thể và phá sản.
Ở Việt Nam, hiện ngành game đang phải chịu nhiều loại thuế và phí như thuế giá trị gia tăng (VAT) 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20% và thuế nhà thầu 10% (khi hợp tác với các đối tác ngoài lãnh thổ Việt Nam).
Do đó, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá sản phẩm game, từ đó làm giảm số lượng người tiêu dùng và doanh số của các game. Nếu doanh số giảm, các công ty sản xuất game có thể không đủ tài chính để đầu tư vào các dự án mới và phát triển các công nghệ mới, dẫn đến ngành game chậm phát triển và lạc hậu hơn so với các nước trên thế giới. Ngoài ra, còn khiến giảm các nguồn đầu tư vào ngành, thúc đẩy khách hàng sử dụng phần mềm trái phép, ảnh hưởng đến người lao động trong ngành game, ảnh hưởng đến các cơ sở đào tạo của ngành.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt cho ngành game online có thẻ gây ra bảo hộ ngược cho các doanh nghiệp game nước ngoài, đi lệch với định hướng khuyến khích và những chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung số.
Mặt khác, ông Lê Đức Anh-Phó Giám đốc Phát triển kinh doanh Garena chia sẻ việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt có thể làm gia tăng tình trạng game lậu xuyên biên giới gia tăng, gây khó khăn cho công tác quản lý đối với nhóm game này. Vấn đề ở đây là việc quản lý các game online không phép, có nội dung bạo lực, độc hại, hoặc thậm chí là nội dung xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các đơn vị là chủ sở hữu game online thay vì lựa chọn hợp tác với nhà phát hành Việt Nam để phát hành hợp pháp tại Việt Nam thì sẽ ưu tiên lựa chọn phát hành xuyên biên giới để tránh bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt. Như vậy, cơ quan quản lý vừa không thu được thuế vừa không quản lý được nội dung game.