Việt Nam đứng thứ 7 về tỷ lệ máy nhiễm mã độc trong khu vực châu Á

Việt Nam đứng thứ 7 về tỷ lệ máy nhiễm mã độc trong khu vực châu Á
Tạp chí Nhịp sống số - Microsoft vừa công bố báo cáo về tình hình an ninh mạng của mình. Việt Nam đang nằm trong danh sách những quốc gia đứng top đầu về nguy cơ nhiễm phần mềm độc hại (Malware).

Theo báo cáo này, Bangladesh và Pakistan có tỉ lệ máy bị nhiễm phần mềm độc hại cao nhất thế giới. Tiếp đó là hai nước Đông Nam Á là Campuchia và Indonesia. Trong khoảng thời gian 3 tháng đầu năm 2017, trung bình cứ 4 máy tính chạy các sản phẩm bảo mật của Microsoft ở những quốc gia này sẽ có một máy báo cáo gặp phải phần mềm độc hại.

Các quốc gia khác nằm trong nhóm nguy cơ cao gồm có Myanmar, Nepal, Thái Lan, Việt Nam. Tỷ lệ gặp mã độc ở các quốc gia này cũng đều trên 20%, cao hơn 2 lần so với mức trung bình của thế giới (9%). Trong khu vực châu Á, Việt Nam đứng thứ 7 về tỷ lệ máy bị nhiễm mã độc.

Việt Nam đứng thứ 7 về tỷ lệ máy nhiễm mã độc trong khu vực châu Á.

Trước đó, tại Hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2017 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết Việt Nam vẫn là một trong những nước có nguy cơ nhiễm mã độc cao trên thế giới.

Nguyên nhân là do nhiều cơ quan, tổ chức không thực hiện kiểm tra, đánh giá, quản lý rủi ro về an toàn thông tin dẫn đến không phát hiện ra những nguy cơ, lỗ hổng, mã độc tiềm ẩn sẵn trong hệ thống từ trước; chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; dẫn đến việc hết sức lúng túng, bị động trong việc khắc phục, đưa hệ thống trở lại hoạt động bình thường; chưa triển khai áp dụng các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin theo quy định hoặc theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.

Thêm vào đó, nguồn nhân lực an toàn thông tin Việt Nam hiện nay còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Việt Nam là một trong các quốc gia đứng đầu về tỷ lệ lây nhiễm phần mềm độc hại qua các thiết bị đa phương tiện. Trong tháng 5 đã diễn ra cuộc tấn công mạng mã hóa dữ liệu của người dùng và tống tiền với quy mô toàn cầu (Wanna cry), trong đó một số doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam cũng đã bị lây nhiễm mã độc.

Mới đây nhất, tại Hội thảo An ninh mạng 2017, Cục An ninh mạng (Bộ Công an) cho biết các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng tăng, với cường độ cao và phức tạp hơn. Từ năm 2016 đến nay, các hệ thống thông tin quan trọng của Đảng và Chính phủ đã bị tin tặc tấn công rất mạnh. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2017, đã có 4.605 trang/cổng thông tin điện tử có tên miền quốc gia (.vn) bị tấn công nhằm chiếm quyền điều khiển, thay đổi giao diện, chỉnh sửa nội dung,... tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, có tới 148 trang web thuộc quản lý của các cơ quan nhà nước (có đuôi .gov.vn) đã bị tin tặc tấn công.

Cũng theo báo cáo của Microsoft, một số quốc gia có nền CNTT phát triển như Úc, Hồng Kông, Nhật Bản, New Zealand và Singapore, tỷ lệ máy bị/có nguy cơ bị nhiễm mã độc khá thấp. Nhật Bản đang được xếp là nước an toàn nhất thế giới hiện nay, chỉ có 2% máy báo cáo gặp phải mã độc.

Có thể bạn quan tâm