Đây là nhận định được các chuyên gia nêu tại Diễn đàn “Chuyển đổi số: Nhanh hơn, thông minh hơn và xanh hơn” do Báo Đầu tư tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế sau nhiều thập niên tăng trưởng, điều này đòi hỏi phải tìm kiếm những mô hình và động lực tăng trưởng mới.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, Việt Nam đã chủ động tiếp cận cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, từ sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ số, và chuyển đổi số như là chất xúc tác, là giải pháp cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi, thích ứng theo các mô hình xanh, bền vững.
Trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Khoa học Công nghệ 4.0, chuyển đổi số vào các quan điểm, mục tiêu, giải pháp nhằm thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng.
Theo lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ đã ban hành và triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 với mong muốn thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi, thích ứng với bối cảnh mới của nền kinh tế số. Các hoạt động của Chương trình hướng tới chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; Hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; Hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất và hỗ trợ chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp. Các hoạt động của Chương trình đã cung cấp nhiều kiến thức và kinh nghiệm, các công cụ nền tảng, giúp các doanh nghiệp xác định hướng đi đúng, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức khi triển khai chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Bên cạnh chủ trương về thúc đẩy chuyển đổi số hướng tới nền kinh tế số, việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội là định hướng xuyên suốt mà Việt Nam theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững. Đối với các doanh nghiệp, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, thì các doanh nghiệp sẽ phải tăng cường tuân thủ các cam kết về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh mà Việt Nam đã ký kết.
"Các hoạt động của Chương trình trong hơn 2 năm vừa qua đã cung cấp nhiều kiến thức và kinh nghiệm, các công cụ nền tảng, giúp các doanh nghiệp xác định hướng đi đúng, tiết kiệm thời gian, chi phí và công sức khi triển khai chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp", ông Phương cho biết.
Tại diễn đàn, ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar đánh giá: “Việt Nam được đánh giá rất cao là một trong những điểm đến đầu tư năng động và hấp dẫn nhất trên thế giới nhờ nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng và chiến lược tập trung vào chuyển đổi số trên toàn quốc”.
Vị chuyên gia này cho rằng, tương lai của ngành CNTT-TT là chuyển đổi số trên tất cả các ngành, lĩnh vực. Đồng thời cũng cam kết hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy chuyển đổi số nhanh chóng ở các lĩnh vực kinh tế thông qua 4G, 5G, cũng như 6G trong tương lai.
“Chúng tôi đánh giá cao tầm quan trọng của chuyển đổi số được hỗ trợ bởi 5G như một hạ tầng số quốc gia quan trọng và là nhân tố chính giúp nâng cao năng suất lao động ở tất cả các ngành”, ông Denis Brunetti nói.