Việt Nam thuộc Top 20 quốc gia bị thiệt hại nặng bởi Ransomware Wannacry

Việt Nam thuộc Top 20 quốc gia bị thiệt hại nặng bởi Ransomware Wannacry
Tạp chí Nhịp sống số - Hãng bảo mật Kaspersky cho biết, trong cuộc tấn công mạng bằng virus tống tiền Wanna cry làm chao đảo thế giới năm 2017, Việt Nam thuộc Top 20 quốc gia bị thiệt hại nặng nhất. Hãng bảo mật này vừa đưa ra tổng kết năm 2017 và những xu hướng tấn công mạng năm 2018 của Việt Nam.

Việt Nam:1 trong 20 quốc gia thiệt hại nặng nhất bởi virus Wanna Cry

Đầu năm 2017, cuộc tấn công bằng mã độc tống tiền Wannacry ảnh hưởng đến 74 quốc gia trong đó có Việt Nam. Chỉ vài giờ lây lan, Việt Nam có hơn 200 doanh nghiệp bị nhiễm, là một trong 20 nước thiệt hại nặng nề nhất.

Ngoài cuộc tấn công của Wannacry, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ máy tính hệ thống công nghiệp bị tấn công cao nhất thế giới với 69.6%. Việt Nam cũng là quốc gia có tỷ lệ tấn công có chủ đích xếp thứ hạng cao trên thế giới.

Nhận định về xu hướng 2018, Kaspersky cho biết, sẽ bùng nổ tấn công có chủ đích khi Việt Nam quyết tâm xây dựng thành phố thông minh - Smart City - với thiết bị cảm biến, camera và các thiết bị IoT. Thành phố thông minh với hệ thống camera, cảm biến và các thiết bị IoT sẽ là môi trường lý tưởng cho tội phạm mạng thực hiện tấn công từ quy mô nhỏ đến lớn.

Dữ liệu từ Kaspersky Lab ghi nhận Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia chịu ảnh hưởng về các cuộc tấn công nhắm vào những thiết bị IoT khi chiếm tỷ lệ tới 15% số lượng các cuộc tấn công trên toàn cầu (Trung Quốc chiếm 17%, Nga chiếm 8%). Tổng số phần mềm độc hại nhắm đến thiết bị IoT hiện là hơn 7.000 mẫu trong năm 2017, con số này sẽ còn tiếp tục tăng nhanh nếu không quan tâm bảo mật cho thiết bị. Trong khi đó, việc đảm bảo an toàn thông tin đang gặp nhiều khó khăn như thiếu sự quản lý tốt trong hệ thống máy tính, sự hiểu biết về an toàn thông tin của các cá nhân và tổ chức, phản ứng nhanh và chính xác khi các cuộc tấn công xảy ra.

Các chuyên gia bảo mật tại Kaspersky Lab khuyến nghị các tổ chức, doanh nghiệp nên chủ động giám sát an ninh hệ thống để phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn sự cố an toàn mạng. Người dùng nên hạn chế truy cập từ mạng bên ngoài nếu thấy không cần thiết hoặc tắt tất cả các dịch vụ mạng trong trường hợp không sử dụng đến thiết bị. Thay đổi mật khẩu khi bắt đầu sử dụng thiết bị mới. Thường xuyên cập nhật phần mềm và sử dụng biện pháp bảo vệ toàn diện cho hệ thống và thiết bị.

Có thể bạn quan tâm