(Ảnh minh họa)
Đó là tình huống khiến một người tiêu dùng có tên Ng. T. Nga buộc phải khiếu nại lên Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Theo Bản tin về Một số vụ việc khiếu nại được giải quyết thành công về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Cục Quản lý cạnh tranh trong Quý II năm 2017, bên cạnh việc tiếp nhận và xử lý 298 yêu cầu tư vấn, phản ánh của người tiêu dùng qua Tổng đài 1800.6838, Cục Quản lý cạnh tranh (Cục QLCT)– Bộ Công Thương còn tiếp nhận 89 khiếu nại qua đường bưu điện, email và trang web bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, có việc hành khách Ng. T. Nga khiếu nại về dịch vụ thanh toán trực tuyến mua vé máy bay qua thẻ tín dụng của Ngân hàng Vietinbank.
Theo đó, mãi đến tận khi ra sân bay, chị Nga mới được thông báo trong 2 vé máy bay đã mua trực tuyến trước đó, có 1 mã không thành công. Hành khách này đã phải mua lại vé với giá cao gấp 3 lần (thiệt hại 2.300.000 đồng), nhưng khi liên hệ lại với Ngân hàng Vietinbank, hành khách này chỉ được giải thích do lỗi hệ thống mà không được đền bù.
Sau khi tiếp nhận khiếu nại của người tiêu dùng, Cục Quản lý Cạnh tranh đã thông báo tới Ngân hàng Vietinbank để xử lý vụ việc.
Vietinbank đã liên hệ người tiêu dùng để thu thập các tài liệu liên quan và tiến hành hoàn trả tiền cho người tiêu dùng.
Đây không phải là lần đầu tiên người tiêu dùng gặp các vấn đề trục trặc do thanh toán qua thẻ tín dụng. Và trong một số trường hợp, do không biết phải "đòi" quyền lợi ở đâu nên họ đành chấp nhận "mua bực vào mình" và ngần ngại khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến.