Viettel Solutions đăng cai hội nghị dự án cáp quang biển ADC

Tạp chí Nhịp sống số - Hội nghị dự án cáp quang biển ADC (Asia Direct Cable) vừa diễn ra từ ngày 5/6 đến 9/6/2023 tại Tp. Hồ Chí Minh, với sự tham gia của 8 nhà đầu tư hàng đầu châu Á.

Hội nghị dự án cáp quang biển có băng thông lớn nhất Việt Nam do Hội đồng dự án cáp biển ADC (Asia Direct Cable) tổ chức. Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) – Thành viên Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) - là đơn vị đăng cai tổ chức sự kiện này.

Viettel Solutions đăng cai hội nghị dự án cáp quang biển ADC

Hội nghị diễn ra trong 5 ngày với sự tham gia của 8 nhà đầu tư gồm NT, China Telecom, China Unicom, PLDT Inc., Singtel, SoftBank Corp., Tata Communications, Viettel và nhà thầu NEC. Nội dung hội thảo tập trung chính vào việc tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm mục tiêu đưa tuyến cáp đi vào hoạt động sớm trong năm 2024.

Trong khuôn khổ của hội nghị, các nhà đầu tư rà soát toàn trình tiến độ của dự án, đưa ra các chủ đề thảo luận xoay quanh những vấn đề cả kỹ thuật và thương mại. Theo đó, hội nghị đã thông qua kế hoạch lắp đặt thiết bị tại trạm cập bờ còn lại, xác định thời gian dự kiến hoàn thành trạm cập bờ của tuyến cáp tại Singapore - cũng là điểm cập bờ cuối cùng của dự án ADC.

Bên cạnh đó, các kế hoạch tích hợp, đo kiểm, nghiệm thu dự án, kế hoạch đào tạo nhân sự tại các trạm cập bờ, các điều khoản và các điều chỉnh liên quan quyền lợi và trách nhiệm của các đối tác thành viên của hệ thống ADC cũng được đưa ra bàn luận, đảm bảo tiến độ của toàn dự án.

Viettel Solutions đăng cai hội nghị dự án cáp quang biển ADC

Trước đó năm 2022, Viettel đã chính thức công bố tuyến cáp quang biển quốc tế ADC cập bờ tại Quy Nhơn, Bình Định, Việt Nam. Đây là tuyến cáp quang biển có kết nối đến cả  3 Hub IP lớn nhất của khu vực Châu Á ((Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore), đồng thời cũng là tuyến cáp quang biển có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng các tuyến cáp quang biển mới là cần thiết nhằm thúc đẩy nhanh mục tiêu Việt Nam trở thành Digital Hub tại khu vực, do đó Việt Nam cần phát triển thêm 4 đến 6 tuyến cáp mới đến năm 2030 và các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần chủ động dẫn dắt, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành tìm kiếm, đánh giá và đề xuất đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

Việc có giấy phép thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ 5G là bước ngoặt để doanh nghiệp có thể làm các thủ tục triển khai dịch vụ đáp ứng nhu cầu khách hàng.