Tiềm năng du lịch Việt hậu Covid-19
Trước khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, năm 2019 đánh dấu bước phát triển đột phá của ngành du lịch Việt Nam, với tổng doanh thu đạt 720 nghìn tỷ đồng (khoảng 32,75 tỷ USD), tăng trưởng 16,2% so với năm 2018, đóng góp tới 9,2% vào GDP cả nước.
Bên cạnh đó, cũng trong năm 2019, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đánh giá Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất. Và mảng du lịch trực tuyến đã có những đóng góp không nhỏ tạo nên những thành công lớn cho ngành du lịch Việt Nam.
Báo cáo của Statista cho thấy, giá trị chi tiêu cho thương mại điện tử của người dùng internet ở Việt Nam là cao nhất trong lĩnh vực du lịch, di chuyển và lưu trú. Năm 2020, con số đã đạt 3 tỷ USD, ngang ngửa với thị trường có dân số đông nhất Đông Nam Á là Indonesia.
Chi tiêu trực tuyến trong lĩnh vực du lịch và lữ hành nói riêng tại Việt Nam 2020 là 578,24 triệu USD, giảm hơn 773 triệu đô la Mỹ so với doanh thu năm trước.
Tuy nhiên, theo Statista, chi tiêu trực tuyến trong lĩnh vực du lịch của Việt Nam hoàn toàn có thể phục hồi và phát triển trong những năm tới, khi đại dịch thực sự kết thúc.
Năm 2022, Du lịch Việt Nam đặt ra mục tiêu đón khoảng 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế có hộ chiếu vắc xin; tổng thu từ du lịch dự kiến đạt khoảng 400.000 tỷ đồng. Thị trường tiềm năng như vậy, nhưng hiện nay, việc đặt phòng trực tuyến của khách du lịch Việt Nam vẫn thường được thực hiện qua các đại lý du lịch trực tuyến của nước ngoài (Online Travel Agencies- OTAs) như booking.com, agoda.com, traveloka.com... Các OTAs này không phải chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, dẫn đến thất thu hàng nghìn tỷ đồng thuế mỗi năm.
Dù Việt Nam cũng đã có một số kênh trực tuyến về du lịch, như mytour.vn, trivago.vn… nhưng hoạt động của các kênh này còn nhỏ lẻ, và chưa phát huy được vai trò của cơ quan Nhà nước và cũng chưa phát huy được sức mạnh tập thể của doanh nghiệp trong nước.
Trong bối cảnh đó, Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) – thành viên của Tập đoàn Viettel đánh giá, việc cần phải có một sản phẩm du lịch trực tuyến của Việt Nam, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm của doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cộng hưởng sức mạnh tập thể của doanh nghiệp nội là vô cùng cấp thiết, và đó là lý do Travelbook ra đời.
“Chúng tôi đã làm việc với nhiều cơ quan nhà nước, như Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, TP.Đà Nẵng… và thấy rằng vai trò của các cơ quan xúc tiến địa phương hầu như chưa được thể hiện trong các sản phẩm, ứng dụng dịch vụ du lịch hiện tại. Địa phương cũng như các doanh nghiệp trong nước rất mong muốn có một sản phẩm có thể làm được điều này” – anh Vũ Việt Hưng, phụ trách phát triển giải pháp Travelbook nói.
Đội ngũ Travelbook tập trung nghiên cứu các mô hình trên thế giới như Nhật, Úc, Indonesia… để tìm ra một giải pháp có thể kết hợp được sức mạnh của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ như ở Úc, cơ quan xúc tiến du lịch quốc gia cũng triển khai sàn tương tự. Nếu như trước đó, một khách sạn ở Úc mất 25% lợi nhuận cho các đại lý du lịch trực tuyến (OTAs), thì từ khi tham gia vào sàn, cùng với 15.000 khách sạn được cơ quan nhà nước tập hợp, tạo lợi thế để yêu cầu các OTAs giảm mức chiết khấu.
Thông minh hóa sàn thương mại điện tử du lịch
Thời điểm thành lập Travelbook là giữa đại dịch Covid-19, khi ngành du lịch đang gặp nhiều khó khăn, Viettel đã nhanh chóng gặp gỡ các hiệp hội để lắng nghe theo nhu cầu của họ và bắt tay ngay vào việc xây dựng sản phẩm với mục tiêu sẵn sàng đón đầu khi du lịch quay trở lại.
Nói về sự khác biệt của Travelbook với các ứng dụng nước ngoài, anh Hưng cho biết, thứ nhất, Travelbook có sự kết hợp của vai trò quản lý của cơ quan nhà nước, cụ thể là các trung tâm xúc tiến du lịch, sở du lịch địa phương. Thứ hai, các doanh nghiệp tham gia Travelbook cũng cũng sẽ được các hiệp hội du lịch, cùng với trung tâm xúc tiến hỗ trợ.
Thứ ba, Travelbook khác hoàn toàn so với Booking, Agoda, K-look... ở chỗ, mỗi sàn này chỉ tập trung vào một loại hình sản phẩm như lưu trú, vé dịch vụ… Còn Travelbook hướng tới việc cung cấp đa dạng các sản phẩm dịch vụ: Giúp du khách tìm kiếm điểm đến, khách sạn, tour, nhà hàng/điểm vui chơi, các đặc sản địa phương nhanh chóng; đặt phòng khách sạn, tour, đặt bàn nhà hàng và lên kế hoạch chuyến đi, thanh toán trực tuyến, tăng tương tác trên mạng xã hội.
Đặc biệt, sản phẩm Travelbook của Viettel Solutions còn được ứng dụng công nghệ mới, giúp cá thể hóa nhu cầu của từng khách hàng, như trợ lý ảo, gợi ý lộ trình cho du khách.
Ngoài ra, Viettel Solutions cũng hướng tới mô hình kinh doanh B2B2C (Business to Business to Customer), chứ không chỉ là B2C (Business to Customer), tức là có sự tham gia của cả đại lý du lịch. Đại lý có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ từ nhà cung cấp, tạo ra sản phẩm của riêng họ để bán trên sàn.
Khi đó, Travelbook còn đóng vai trò như một hội chợ du lịch trực tuyến, tích hợp sàn Thương mại điện tử nhằm tăng tương tác, kết nối giao thương, cung cấp dịch vụ sàn triển lãm ảo giúp du khách được trải nghiệm du lịch ảo và tạo gian hàng doanh nghiệp, điểm đến được tổ chức qua hội nghị trực tuyến.
Travelbook cung cấp các tính năng cho doanh nghiệp như quản lý đặt phòng, dịch vụ, nhà cung cấp, thông tin khách hàng, báo cáo thống kê tự động, cập nhật theo thời gian thực.
Đồng thời, sản phẩm này cũng tích hợp với mạng xã hội du lịch, nền tảng thanh toán thẻ du lịch thông minh, Mobile Money giúp việc thanh toán dễ dàng, nhanh chóng.
Mới đây, Travelbook đã vinh dự đạt giải thưởng Sao Khuê 2022 ở hạng mục Các giải pháp, phần mềm mới. Giải thưởng này như một lời khẳng định, Viettel Solutions đã sẵn sàng tạo ra một giải pháp mới trong lĩnh vực du lịch, tận dụng được sức mạnh của cả cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.
Kỳ vọng của Viettel Solutions khi tham gia cuộc chơi này là tập hợp được các doanh nghiệp Việt, để có thể cạnh tranh một cách sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài, ngăn chặn việc thất thu thuế cũng như chảy máu ngoại tệ về phía doanh nghiệp ngoại.