Tính đến thời điểm này, Bộ TT&TT mới chỉ cấp giấy phép thử nghiệm mạng 5G cho một nhà mạng là Viettel, trong khi cả VinaPhone và MobiFone đã có ý kiến xin phép Bộ TT&TT cho phép thử nghiệm thế hệ mạng mới nhất này.
Theo Bộ TT&TT, thời điểm thử nghiệm mạng 5G sẽ diễn ra trong năm 2019 và khi các nước phát triển trên thế giới bắt đầu triển khai dịch vụ mạng này, Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tiên phong cung cấp dịch vụ 5G. Bên cạnh đó, việc thử nghiệm mạng 5G trong năm 2019 cũng có nhiều thuận lợi, vì nhiều hãng sản xuất lớn trên thế giới như Samsung cũng bắt đầu phát hành các smartphone có hỗ trợ 5G ra thị trường vào quý 3 năm nay.
Mục tiêu của việc thử nghiệm 5G là để xem mức độ phủ sóng của tần số 2.6 GHz. Bên cạnh đó, Bộ muốn qua kết quả thử nghiệm để xem nếu triển khai 5G ở tần số 3.5 GHz có xảy ra hiện tượng nhiễu vệ tinh hay không.
Thông qua việc thử nghiệm, Bộ TT&TT cũng muốn nghiên cứu về khả năng tăng dung lượng kết nối và khả năng thay thế cáp quang, hiệu suất sử dụng tần số của công nghệ 5G. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn các nhà mạng cần sớm thử nghiệm công nghệ này, để từ đó xử lý những vướng mắc nếu có trong quá trình thử nghiệm.
Ngay sau khi nhiều nước trên thế giới tiến hành thử nghiệm mạng 5G, Tập đoàn VNPT đã có những bước nghiên cứu và tiếp cận chuẩn bị giống như đã từng làm với các thế hệ mạng 2G, 3G và 4G trước đây. VNPT đã tập trung đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), tăng cường hợp tác với các đối tác công nghệ lớn trên thế giới để học hỏi kinh nghiệm và xây dựng nguồn nhân lực để có thể triển khai mạng 5G thành công.
Cụ thể, VNPT đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Nokia để cũng thiết lập phòng Lab nghiên cứu về công nghệ và giải pháp, ứng dụng trong mạng di động 5G. Hai bên sẽ cùng hợp tác thử nghiệm các công nghệ mạng 5G và các giải pháp, ứng dụng trên mạng 5G; Nghiên cứu, khảo sát, thử nghiệm triển khai công nghệ 5G. Phía Tập đoàn Nokia cũng sẽ hỗ trợ VNPT hiện đại hóa mạng lưới theo hướng 5G và Cloud. Ngoài ra hai bên cũng sẽ hợp tác, chia sẻ thông tin về các nghiên cứu mới nhất về công nghệ /sản phẩm mới trên mạng 5G. Dự án này dự kiến sẽ được thực hiện trong vòng 3 năm với tổng giá trị khoảng 15 triệu USD.
Bên cạnh đó, với những thành tựu đạt được trong mảng sản xuất thiết bị công nghệ viễn thông trong thời gian qua, VNPT cũng đang chuẩn bị để có thể sản xuất các thiết bị mạng 5G, từng bước tiến tới làm chủ trong mảng này giống như đã làm được đối với mạng 2G, 3G, 4G và băng rộng cố định.
Hiện VNPT đã hoàn tất công tác chuẩn bị, đã trình Bộ TT&TT xin được cấp phép thử nghiệm 5G cho mạng VinaPhone. Việc thử nghiệm sẽ được triển khai ngay khi Bộ TT&TT cấp phép. Việc thử nghiệm cũng sẽ là những khâu cuối cùng để VNPT triển khai quy hoạch mạng lưới, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng trong thời gian tới.
Tại hội nghị 5G vừa được Bộ TT&TT tổ chức, Bộ đã tìm ra đường hướng phát triển 5G bằng việc tiếp cận theo pha. Trong đó pha 1 triển khai bằng việc tăng dung lượng, cả Việt Nam chỉ lắp 20 trạm 5G, sau đó theo dõi quá trình thử nghiệm. Trong trường hợp công nghệ 5G hoạt động tốt và ổn định, Bộ sẽ cho triển khai ồ ạt dịch vụ này tại Việt Nam.
Cũng tại hội nghị giao ban, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu Cục Tần số đẩy nhanh thủ tục đấu giá băng tần 2.6 GHz, cơ bản phải xong trong tháng 4/2019. Bộ cũng đã xác định xong mức giá khởi điểm cho việc đấu thầu băng tần lần này.
Đây là lần đầu tiên Bộ TT&TT tiến hành tổ chức đấu giá băng tần, do đó không tránh khỏi những vướng mắc liên quan tới các nghị định và văn bản pháp luật. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng giao nhiệm vụ phải quy hoạch xong tần số 700 MHz trong tháng 4/2019 để đưa ra đấu giá. Việc đấu giá các băng tần mới nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ mạng data di động, giải quyết được những vị trí lõm sóng.