Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ diễn ra trong khuôn khổ Diễn đàn Quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam (Skilling Up Vietnam). Ông Nguyễn Đoàn Hùng – Phó Chủ tịch VINASA, Viện trưởng VINASA Academy – và Tiến sĩ Nguyễn Hồng Minh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đã ký kết bản ghi nhớ này.
Việc hợp tác nhằm tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong các hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trở thành mắt xích quan trọng kết nối giữa CUNG – CẦU nhân lực trên thị trường lao động, trang bị mới và tăng cường các kỹ năng lao động trong thời kỳ mới.
Mối quan hệ hợp tác được đặt ra trong bối cảnh Cuộc Cách mạng Công nghệ 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ trên toàn cầu, với những tác động bao trùm lên mọi mặt của đời sống, trong đó có việc thay đổi cơ cấu thị trường lao động... Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, như trình độ chuyên môn kỹ thuật của lao động còn thấp (chỉ chiếm hơn 20% lực lượng lao động); năng suất lao động thấp hơn nhiều nước trong khu vực ASEAN… Như vậy, những ngành nghề sử dụng lao động phổ thông ở mức độ đào tạo đơn giản sẽ chịu tác động lớn và nguy cơ thất nghiệp do sự phát triển của công nghệ tự động và trí tuệ nhân tạo.
Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Chia sẻ về việc hợp tác này, ông Nguyễn Đoàn Hùng – Phó Chủ tịch VINASA, Viện trưởng VINASA Academy – cho biết: “Để có được đội ngũ nhân sự đáp ứng nhu cầu của thời kỳ mới, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ với sự đầu tư nghiêm túc, dài hơi. Trong đó, theo chúng tôi, các trường và cơ sở đào tạo nghề tại Việt Nam cần học tập kinh nghiệm đào tạo quốc tế, gắn kết hơn nữa với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, đồng thời có sự dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai”.
Ông cũng cho biết, thỏa thuận hợp tác này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết năm 2025. Căn cứ trên tình hình thực tế, hai bên sẽ thống nhất các nhiệm vụ, hoạt động hợp tác theo từng năm gắn với mục tiêu chung.
Nội dung hợp tác bao gồm các hoạt động chính: 1. Trao đổi, cung cấp thông tin về chính sách của nhà nước cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; khả năng cung ứng nguồn nhân lực lao động qua đào tạo theo từng lĩnh vực, ngành, nghề, từng trình độ đào tạo; năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo các ngành nghề của doanh nghiệp. |