VinCSS ra mắt giải pháp triển khai IoT tự động, an toàn tại Nhật Bản

Tạp chí Nhịp sống số - Nền tảng VinCSS IoT FDO ra mắt đã thu hút sự chú ý của chuyên gia trong lĩnh vực xác thực mạnh, IoT và công nghệ thông tin tại Nhật Bản cũng như thế giới.

Trong khuôn khổ Sự kiện FIDO Seminar lần thứ 9 tại Nhật Bản được chủ trì bởi Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới (FIDO Alliance), Công ty cổ phần Dịch vụ An ninh mạng VinCSS đã ra mắt nền tảng triển khai tự động và đảm bảo an ninh cho thiết bị IoT - "VinCSS IoT FDO", theo tiêu chuẩn FIDO Device Onboarding quốc tế.

Nền tảng VinCSS IoT FDO

Tiêu chuẩn quốc tế thế hệ mới trong triển khai và đảm bảo an ninh cho thiết bị IoT

Quy mô thị trường Internet vạn vật (Internet of Things - IoT) toàn cầu được các chuyên gia kinh tế dự đoán sẽ cán mốc 2.500 tỉ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép trên 26% (theo Fortune Business Insights). Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ đó tỷ lệ thuận với việc gia tăng các mối nguy mất an toàn trong quá trình triển khai thiết bị IoT. Theo công bố của Kaspersky, có hơn 1,5 tỉ vụ rò rỉ dữ liệu từ thiết bị IoT trong năm 2021, tăng 639 triệu vụ so với năm 2020.

Không chỉ dừng lại ở bài toán đảm bảo an toàn, các tập đoàn, dự án lớn cũng gặp phải vấn đề về chi phí và sự phức tạp khi triển khai thiết bị IoT. Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng áp dụng tự động hóa, tuy nhiên quy trình vẫn chưa được chứng nhận đạt chuẩn, gây ra những rắc rối về sử dụng, làm tăng chi phí triển khai.

Trong bối cảnh ấy, Liên minh Xác thực trực tuyến thế giới (FIDO Alliance) đã thành lập Tổ công tác Công nghệ IoT (IoT Technical Working Group - IoT TWG) gồm các chuyên gia hàng đầu thế giới đến từ ARM, Amazon Web Services, Microsoft, Google, Intel, Infineon và Qualcomm. Sau hai năm nghiên cứu, FIDO Alliance đã công bố tiêu chuẩn FIDO Device Onboarding (FDO) - tiêu chuẩn cho toàn ngành IoT thế giới về triển khai thiết bị IoT một cách tự động, an toàn và hiệu quả.

Ngay sau thời điểm FDO ra mắt vào năm 2021, rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới, tiêu biểu là Intel đã bắt tay vào ứng dụng tiêu chuẩn này. FDO mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp IoT phát triển vượt trội và bền vững. Tuy nhiên việc ứng dụng tiêu chuẩn này được đánh giá là không đơn giản bởi yêu cầu đội ngũ chuyên gia phát triển sản phẩm phải có trình độ cao, am hiểu sâu về kỹ thuật.

Doanh nghiệp Việt tiên phong cung cấp giải pháp cho thị trường quốc tế

Chưa đầy một năm kể từ khi giao thức FDO ra đời, VinCSS (thuộc Tập đoàn Vingroup) - một startup đến từ Việt Nam đã phát triển hoàn chỉnh và sẵn sàng khai thác thương mại nền tảng VinCSS IoT FDO theo tiêu chuẩn FIDO Device Onboarding, giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả triển khai an toàn cho thiết bị IoT.

Ngày 9/12 vừa qua, VinCSS đã chính thức ra mắt nền tảng VinCSS IoT FDO tại Nhật Bản trong khuôn khổ Sự kiện FIDO Seminar lần thứ 9 chủ trì bởi FIDO Alliance ở Tokyo.

Đây là một trong số ít giải pháp ứng dụng tiêu chuẩn FDO được thương mại hóa đầu tiên trên thế giới. Nền tảng VinCSS IoT FDO ra mắt đã thu hút sự chú ý của đại diện các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực xác thực mạnh, IoT và công nghệ thông tin tại Nhật Bản cũng như trên thế giới.

Ông Andrew Shakiar, Giám đốc vận hành FIDO Alliance cho biết: "Gia nhập FIDO Alliance năm 2018, VinCSS - đại diện đến từ Việt Nam luôn tích cực trong các hoạt động của Liên minh và đưa ra thị trường nhiều giải pháp chuẩn FIDO2 với tốc độ nhanh chóng. Các hoạt động nghiên cứu, phát triển và thương mại của VinCSS đang tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy thị trường xác thực mạnh không mật khẩu tại Việt Nam cũng như toàn cầu. Chúng tôi ghi nhận sự tiên phong của VinCSS và tin tưởng đón đợi vào những đóng góp sắp tới của công ty cho cộng đồng".

Chia sẻ về sự kiện ra mắt giải pháp tại thị trường Nhật Bản, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, CEO VinCSS nhấn mạnh: "Là một startup hướng đến mục tiêu cung cấp sản phẩm, dịch vụ đảm bảo an ninh cho cuộc sống số, chúng tôi đã đầu tư mạnh cho R&D trong bốn năm qua. Nền tảng VinCSS IoT FDO là bước tiếp theo trong chiến lược lan tỏa, ứng dụng đa dạng công nghệ xác thực mạnh không mật khẩu theo tiêu chuẩn FIDO2 vào các lĩnh vực tiềm năng như khác như IoT Security, Automotive Security... VinCSS đang mở rộng hoạt động, hợp tác sâu rộng trong phát triển thị trường, đồng nghiên cứu phát triển và tích hợp công nghệ với nhiều đối tác quốc tế".

Từ tháng 8.2022, VinCSS đã hợp tác với Pavana để tích hợp công nghệ FDO nhằm ra đời dòng camera thương mại an toàn bậc nhất thế giới. Bên cạnh đó, công ty cũng vừa được Frost & Sullivan trao giải thưởng Best Practice 2022, công nhận là doanh nghiệp dẫn đầu ngành công nghiệp Passwordless Authentication (xác thực không mật khẩu) tại thị trường Đông Nam Á.

Có thể bạn quan tâm

Sáng ngày 13/4/2024, tại Nhà hát Quân đội đã diễn ra Lễ Trao Giải thưởng Sao Khuê 2024. Tại đây, f-CIM - Giải pháp quản lý toàn trình quá trình sản xuất tại Nhà máy do FaceNet nghiên cứu và phát triển, đã được vinh danh tại hạng mục Giải pháp phần mềm xuất sắc - Lĩnh vực Sản xuất công nghiệp. Đây là thành quả xứng đáng cho nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ FaceNet trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn sản xuất.