Ngày An toàn thông tin Việt Nam năm 2015 có chủ đề “Xu hướng phá hoại tàn khốc của tấn công mạng hiện đại”, tập trung vào các vấn đề nóng về an toàn, an ninh thông tin trên thế giới và Việt Nam.
Đáng chú ý, trong Phiên khai mạc toàn thể diễn ra sáng nay (12/1), VNISA đã công bố chỉ số An toàn thông tin Việt Nam 2015 - VNISA Index 2015.
Theo đó, chỉ số an toàn thông tin trung bình của Việt Nam chỉ đạt 46.4%, tức là ở dưới mức trung bình. Tuy nhiên, theo VNISA, so với năm 2014 thì Việt Nam đã có bước tiến rõ rệt về chỉ số này, cụ thể là tăng 7,4%.
Lý giải về bước tiến này, TS. Vũ Quốc Thành - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNISA - cho rằng các biện pháp quản lý là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Năm qua, Việt Nam đã tăng cường được nhận thức về an toàn thông tin, từ đó biến thành các hành động thực tế tại nhiều cơ quan, Bộ, ngành, doanh nghiệp... Các biện pháp quản lý được chú trọng, được áp dụng nhiều gấp rưỡi so với năm 2014 và thể hiện cao nhất ở việc Luật An toàn thông tin được thông qua.
“Chúng ta đang ở thời điểm bước ngoặt của lĩnh vực an toàn thông tin, cả trên thế giới lẫn tại Việt Nam. Quốc hội vừa thông qua Luật An toàn thông tin. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một văn bản cấp luật trong lĩnh vực này”, ông Thành nói.
Tại Hội thảo, đã có báo cáo của hầu hết các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới như Google, Microsoft, CISCO, IBM, FireEye... chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, công cụ trong việc đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia.
Đặc biệt, diễn giả đến từ Microsoft đã đưa ra những cảnh báo về trạng thái an ninh, nguy cơ mà người dân và các tổ chức doanh nghiệp tại khu vực bao gồm Việt Nam có thể phải đối mặt. Cụ thể, ông Keshav S Dhakad, Thẩm Phán Cao Cấp, Bộ phận Phòng Chống Tội Phạm Số (Digital Crimes Unit - DCU) Châu Á, Microsoft Châu Á Thái Bình Dương cho biết: Tội phạm mạng đang ngày càng gia tăng một cách nhanh chóng trên quy mô toàn cầu, trở thành ngành công nghiệp trị giá hàng tỉ đô la và gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Trong đó, tội phạm thiên về sử dụng mã độc đang gây ra hậu quả khủng khiếp nhất cho các chính phủ, cá nhân và các hoạt động kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực tài chính. Các mã độc đang gia tăng theo cấp số nhân về cả số lượng, hình thức chủng loại cũng như mức độ đe dọa, gây ra những thiệt hại khó lường nếu không được cảnh báo như trộm thông tin mật, đánh cắp thông tin cá nhân, mật khẩu đăng nhập, chiếm dụng email/ tài khoản mạng xã hội thông qua việc đánh cắp nhận diện, lấy trộm tài chính và gây ra sự gián đoạn của hệ thống CNTT & các mạng quan trọng, tấn công từ chối dịch vụ, v.v.
DCU đang tiến hành các hoạt động pháp lý và kĩ thuật để phá bỏ hoặc đánh sập những mạng lưới mã độc, giải phóng các thiết bị đang trong quá trình bị nhiễm độc trên phạm vi toàn cầu, và khiến việc thâm nhập trở nên khó khăn hơn cho bọn tội phạm mạng. Trong nỗ lực đó, các đối tác của DCU với các chuyên gia về tội phạm mạng trong khắp các ngành, các chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật và các học viện cùng xác định và loại bỏ các mối đe dọa về tội phạm mạng đang tác động lên hệ sinh thái kĩ thuật số trên toàn cầu.
"Trong thế giới liên kết nối của di động và điện toán đám mây, niềm tin trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Microsoft nhận thức rõ rằng các tổ chức sẽ không sử dụng những công nghệ mà họ không tin tưởng và chúng tôi tiếp tục nỗ lực để luôn là nhà cung cấp dịch vụ ĐTĐM đáng tin cậy với chất lượng tốt nhất nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng về an ninh dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư, tuân thủ các quy định và hoạt động minh bạch. Để củng cố niềm tin đó, DCU đã triển khai một chương trình đặc biệt: Chương trình Thẩm định Nguy cơ an ninh mạng trên toàn cầu (Global Cyber-Threat Intelligence Program) nhằm biến Đám mây trở nên thông minh hơn trong việc ứng phó với các mối đe dọa từ tội phạm mạng, đồng thời nâng cao mức độ bảo toàn cho người dùng khiến họ tin tưởng hơn vào dữ liệu của họ trên đám mây, khiến họ có thể tập trung hơn vào công việc của mình”, ông Keshav D Dhaka cho biết.