Ông Hà Thái Bảo cho biết, đến nay VNPT đã tham gia cùng Chính phủ để phát triển, triển khai nhiều bài toán Quốc gia như hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống Cổng DVCQG, hệ thống báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ… đây là các hệ thống vô cùng quan trọng và là nền móng thúc đẩy cho việc chuyển đổi số quốc gia.
Thưa ông, ông nhìn nhận thế nào về những bước tiến trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ Số tại Việt Nam?
Từ góc độ những gì quan sát được, có thể thấy các cơ quan quản lý nhà nước đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình này, như việc ban hành các văn bản về việc quản lý, các tiêu chuẩn kết nối, chia sẻ dữ liệu... Trong đó, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì triển khai thành công nhiều bài toán QG để kết nối, chia sẻ dữ liệu.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã dần trưởng thành theo hướng chính phủ hành động, phục vụ, liêm chính; biểu hiện cụ thể ở các hành động như: đối thoại với người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ giấy phép con, sửa đổi bộ Luật hướng đến mục tiêu minh bạch, công bằng cho người dân và Doanh nghiệp.
Đặc biệt, theo nhu cầu và xu hướng phát triển xã hội, người dân ngày càng ý thức hơn về lợi ích của chuyển đổi số mang lại như tiếp cận nhanh chóng với mạng xã hội, nắm bắt được nhiều thông tin và cách thức giao tiếp với chính quyền thông qua môi trường internet.
Xin ông cho biết, tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã chuẩn bị như thế nào và có định hướng gì?
Nhận thức về tầm quan trọng của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, VNPT đã có sự chuẩn bị về nguồn lực một cách kỹ lưỡng. Trong suốt năm 2018 và năm 2019, VNPT đã chuẩn bị đầy đủ nguồn lực về con người và công nghệ để có thể bắt nhịp ngay với thời cuộc.
Cụ thể, về con người, tính đến hết năm 2019, VNPT đã có 3.000 kỹ sư về CNTT trong đó có hơn 200 nhân sự làm các công nghệ nền tảng mang yếu tố cốt lõi, bao gồm các nhà nghiên cứu, các kỹ sư AI/BigData, BlockChain và công nghệ Cloud, IoT, Cyber Security... Về công nghệ, trong hai năm vừa qua, VNPT cũng đã đầu tư các Platform hoàn chỉnh đáp ứng các như cầu chuyển đổi số như IoT, BigData/AI và Cloud. Bên cạnh đó, thời gian qua, VNPT đã tập trung vào xây dựng nhiều bài toán về công nghệ 4.0, cụ thể như: trí tuệ nhân tạo AI trong triển khai mô hình đô thị thông minh, bài toán AI về thị giác, công nghệ nhận dạng quang (AI/OCR), xử lý ngôn ngữ tự nhiên NLP, dữ liệu lớn BigData…
Chẳng hạn, trong quy hoạch và quản lý, AI giúp phân tích, dự báo về môi trường không khí, hỗ trợ phân tích, quy hoạch các công trình đô thị nước sạch, lưới điện, giao thông... AI giúp nhận dạng tự động các công trình và cây xanh, phát hiện tự động các công trình vi phạm, dự báo phát triển khu dân cư…
Trong lĩnh vực giao thông thông minh, ứng dụng AI được VNPT triển khai tại Hà Nội trong việc giám sát an ninh trật tự thông minh, giúp giám sát lưu lượng, nhận diện biển số, phát hiện sai làn, vượt đèn đỏ của người tham gia giao thông... như Trung tâm điều hành thông minh, Camera giám sát an ninh và giao thông, Công bố thông tin quy hoạch đất đai/xây dựng…
VNPT cũng đã tham gia cùng phát triển, triển khai nhiều bài toán Quốc gia như hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia, hệ thống Cổng DVCQG, hệ thống báo cáo Quốc gia và Trung tâm chỉ đạo điều hành của Chính phủ… Đây là các hệ thống vô cùng quan trọng và là nền móng thúc đẩy cho việc chuyển đổi số QG.
VNPT xác định, đây mới chỉ là bước sơ khởi ban đầu. Tham gia vào “chuyển đổi số quốc gia”, VNPT sẽ ưu tiên mọi nguồn lực, tập trung những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất cùng đội kỹ sư giàu kinh nghiệm nhất để đồng hành cùng Nhà nước và Chính phủ.
Từ những sản phẩm VNPT đang cung cấp, ông đánh giá lợi thế cũng như thách thức mà VNPT gặp phải là gì?
Quan điểm của Tập đoàn chúng tôi là muốn tạo hạ tầng cho chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, muốn tham gia dẫn dắt CĐS quốc gia thì việc đầu tiên, VNPT phải CĐS cho chính mình trước. Khó nhất của CĐS là thay đổi mô hình quản lý, mô hình kinh doanh, thay đổi tổ chức, con người và qui trình, sáng tạo dịch vụ mới trên nền tảng số - là các dịch vụ ngoài viễn thông. Tức là một sự thay đổi toàn diện (Transform). Sự thay đổi toàn diện này dựa trên công nghệ số. Là một tập đoàn lâu đời, với gần 40.000 người thì việc thay đổi chính bản than mình là một khó khắn, thách thức lớn nhất.
Mặc dù vậy, VNPT đang nỗ lực để biến thách thức đó thành lợi thế, khi VNPT là một Tập đoàn lớn, có hạ tầng viễn thông, các TT IDC rộng khắp cả nước; nguồn nhân lực CNTT có sức trẻ, có trình độ cao tại 63 T/TP, VNPT phải tham gia với vai trò dẫn dắt trong việc xây dựng chính quyền và nền kinh tế số, trở thành lá cờ đầu trong chuyển đổi số tại Việt Nam.
Như đã nói, VNPT đã có hành trình từ 5 năm trước để chuẩn bị nguồn nhân lực, vật lực, quy trình, sản phẩm… Cụ thể, từ năm 2014, nhận thấy thị trường Viễn thông trong nước cũng như quốc tế có dấu hiệu bão hòa đối với các dịch vụ cơ bản, hoạt động cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành ngày càng trở nên khốc liệt, VNPT lập tức đưa ra các chiến lược chuyển đổi nhằm bước ra khỏi “vòng xoáy” suy thoái. VNPT đã có một hệ sinh thái các sản phẩm và được triển khai rộng rãi để phục vụ chuyển đổi số cho các lĩnh Y tế, giáo dục, chính quyền số, nông nghiệp thông minh, đô thị thông mình … được làm rất nhiều các bài toán cấp quốc gia như: Trục liên thông VB, cổng DVCQG … nắm rất rõ các định hướng, chiến lược của đất nước.
Cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!
Hoài Nam (thực hiện)