Hãng xe này đang phải chịu áp lực từ phía khách hàng cũng như các nhà đầu tư, về việc phải chứng minh rằng quá trình sản xuất xe điện của hãng không liên quan tới các khoáng sản xung đột (khai thác tại các vùng đang xảy ra xung đột, và được bán để gây quỹ cho cuộc chiến) hoặc lao động trẻ em.
Volvo đang khám phá sự hữu dụng của blockchain* - công nghệ tạo ra một cuốn sổ cái bất biến, từng được áp dụng cho tiền điện tử - để tăng cường trách nhiệm giải trình trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Trong một bình luận được gửi đi hồi cuối tuần trước, Volvo tuyên bố họ đã hoàn thiện blockchain đầu tiên, sử dụng cô-ban tái chế tại Trung Quốc.
Đại diện Volvo cho biết, “Công nghệ được áp dụng để theo dõi quá trình cô-ban được chuyển từ một nhà máy tái chế tại Trung Quốc tới cơ sở của Volvo Cars tại tỉnh Chiết Giang trong vòng hai tháng, tính đến hết ngày 27/6”, Volvo cũng bổ sung thêm rằng mục đích mà hãng hướng tới là sự “hoàn toàn minh bạch và có thể truy xuất nguồn gốc”.
Blockchain này được phát triển bởi Circulor - chuyên gia về công nghệ blockchain của Anh và sử dụng công nghệ từ công ty Oracle của Mỹ, dự kiến sẽ được công bố rộng rãi trong năm nay. Tuy nhiên, hãng từ chối đưa ra bình luận về những bước đi tiếp theo.
Pin của xe được sản xuất bởi Công ty Contemporary Amperex Technology Co Ltd (CATL) của Trung Quốc.
Volvo cũng xác nhận họ sẽ hợp tác với một số hãng khác như Ford, gã khổng lồ công nghệ IBM, hãng sản xuất ca-tốt LG Chem của Hàn Quốc, và công ty khai thác cô-ban Huayou của Trung Quốc trong một dự án được giám sát bởi tập đoàn cung ứng RCS Global.
Trong một email, RCS Global cho biết rất hài lòng khi Volvo cùng tham gia vào nỗ lực nhằm cải thiện tính “định lượng và liên tục” của các chuỗi cung ứng.
Trong số các khoảng sản dùng để sản xuất pin, cô-ban là hợp chất đặc biệt khó tìm kiếm bởi 2/3 nguồn cung đều đến từ Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi đang diễn ra xung đột gay gắt.
Glencore, một công ty sản xuất cô-ban quy mô lớn tại Congo, đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong năm nay, bao gồm cả vụ sập hầm mỏ khiến hơn 40 thợ khai thác trái phép thiệt mạng.
Những người liên quan đến việc theo dõi khoáng sản cho biết chỉ áp dụng công nghệ blockchain là chưa đủ.
Tuy nhiên, họ đang thử nghiệm xem liệu việc nhập dữ liệu từng giai đoạn khai thác khoảng sản vào chuỗi blockchain có thể cải thiện trách nhiệm và thậm chí là giải quyết những mâu thuẫn giữa các công ty vận chuyển và những công ty sử dụng cô-ban.
Trả lời hãng tin Reuters, Tổng giám đốc điều hành của Circulor - ông Doug Johnson-Poensgen cho biết: “Không có công nghệ nào có thể thay thế hoàn toàn sự siêng năng của con người. Việc công nghệ phải làm là nâng cao khả năng thực thi các tiêu chuẩn, bằng cách chỉ ra những thứ không hoạt động như dự kiến.”
Oracle đã cung cấp công nghệ cho các dự án blockchain từ xác nhận nguồn gốc của dầu ô-liu cho đến giảm chi phí bằng cách tinh giản hệ thống thanh toán xuyên quốc gia.
Ngoài dự án liên quan đến cô-ban, IBM đã hợp tác với các nhà bán lẻ bao gồm cả Walmart để theo dõi thực phẩm thông qua chuỗi cung ứng.
Blockchain là công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin bằng các khối được liên kết với nhau và mở rộng theo thời gian. Mỗi khối chứa đựng các thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với các khối trước đó. |