Wi-fi sẽ có thêm chuẩn bảo mật mới WPA3 trong năm 2018

Wi-fi sẽ có thêm chuẩn bảo mật mới WPA3 trong năm 2018
Tạp chí Nhịp sống số - Trong bối cảnh hàng loạt nguy cơ bảo mật xuất hiện với kết nối Wi-fi trong năm 2017, tổ chức Wi-Fi Alliance đã công bố không chỉ nâng cấp cho chuẩn WPA2 vốn rất thông dụng hiện nay, mà còn tung ra thị trường WPA3 hoàn toàn mới.

Với tư cách là tổ chức quản lý tiêu chuẩn và các cơ chế bảo mật của kết nối Wi-fi, Wi-Fi Alliance sẽ tiến hành nhiều thử nghiệm cao cấp hơn nhằm đánh giá và tối ưu hóa WPA2 (vốn đã tồn tại gần 2 thập kỷ) nhằm giảm thiểu những rủi ro phát sinh do người dùng thiết lập không chuẩn các thông số. Việc nâng cao chất lượng mạng cũng được kì vọng giúp giảm các lỗ hổng bảo mật và tăng cường cơ chế xác nhận đăng nhập. Trong bối cảnh internet kết nối vạn vật như hiện nay, tăng cường bảo mật là yêu cầu hết sức quan trọng.

Đối với WPA3, Wi-Fi Alliance dự kiến bổ sung 4 chức năng cho cả môi trường Wi-fi cá nhân và doanh nghiệp. Hai trong số này sẽ giúp bảo vệ an toàn cho mạng kể cả khi người dùng chọn các mật khẩu quá đơn giản so với quy định, mặt khác cho phép đơn giản hóa quy trình thiết lập đối với những thiết bị có khả năng bảo mật hạn chế, hoặc không có giao diện thiết lập bảo mật.

Tuy nhiên, điểm mạnh của WPA3 nằm ở chỗ nó cho phép tăng cường đáng kể tính riêng tư cá nhân trong các mạng Wi-fi công cộng, khi cho phép mã hóa dữ liệu riêng cho từng thiết bị kết nối. Ngoài ra, việc sử dụng các công cụ dò tìm mật khẩu của router Wi-fi với WPA3 cũng gần như bất khả thi, không chỉ bởi cơ chế bảo mật hoàn thiện hơn, mà các thiết bị WPA3 có thể tự động chặn những đối tượng thăm dò nếu mật khẩu bị sai nhiều lần.

Hiện tại, Wi-Fi Alliance chưa tiết lộ nhiều về việc triển khai chuẩn bảo mật mới, thậm chí cũng chưa cho biết liệu người dùng có phải mua thiết bị mạng mới hay không. Tuy nhiên, khi được tung ra, toàn bộ phần cứng mạng sẽ phải được Wi-Fi Alliance cấp chứng nhận nếu muốn tích hợp WPA3.

Trước thông tin mới, nhiều người dùng cũng bày tỏ sự quan tâm. Với nhóm sử dụng thiết bị mạng của Apple - vốn đã tạm dừng việc phát triển phần cứng Wi-Fi mới (dòng sản phẩm AirPort), việc có thể sử dụng WPA3 hay không là điều khó nói. Dù Apple khẳng định sẽ liên tục cập nhật phần mềm nhưng nếu WPA3 đòi hỏi thế hệ phần cứng mới, rõ ràng "Táo" sẽ lực bất tòng tâm. Điều tương tự cũng sẽ xảy ra với các thiết bị khách như máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh... của mọi thương hiệu đang có mặt hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

Dựa trên những thông tin thu thập được từ các tập nhật ký được giao dịch trên thị trường ngầm, Kaspersky Digital Footprint Intelligence tiết lộ gần 10 triệu thiết bị đã bị đánh cắp dữ liệu thông qua các phần mềm độc hại trong năm 2023.