Đồ thị thống kê thị phần các hệ điều hành nắm giữ trên thị trường hệ điều hành máy tính để bàn trong tháng Tư (Net Applications lập)
Đó là thông tin được đưa ra từ số liệu thống kê của chuyên trang công nghệ Hot Hardware cũng như các hãng phân tích thị trường uy tín như Net Applications, Netmarketshare... Theo đó, sự đi xuống của Windows là cơ hội để các hệ điều hành khác "ngoi" lên.
Số liệu từ Net Applications cho thấy các hệ điều hành khác đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong tháng Tư. Nếu như trong tháng Một, các hệ điều hành khác Windows chỉ chiếm 5,4% thị phần thì đến tháng Tư, chúng đã chiếm 8,59% thị phần. Trong số các hệ điều hành khác Windows thì hệ điều hành Mac OS X của Apple chiếm phần lớn.
Hệ điều hành "con cưng" Windows 10 của Microsoft có sự tăng trưởng chậm lại. Hệ điều hành này tăng 1,89 điểm phần trăm thị phần từ tháng 12/2015-tháng Một; 0,97 điểm phần trăm từ tháng Một đến tháng Hai, và 1,33 điểm phần trăm từ tháng Hai đến tháng Ba. Giai đoạn tháng Hai đến tháng Ba có sự tăng trưởng nhẹ trở lại có thể là do Microsoft thay đổi chính sách cập nhật hệ điều hành tuy nhiên tác động của sự thay đổi này không lớn nên đến giai đoạn từ tháng Ba đến tháng Tư, hệ điều hành này lại chỉ tăng có 0,21 điểm phần trăm, mức tăng trưởng nhỏ nhất của hệ điều hành này kể từ khi được phát hành ra thị trường.
Mặc dù có sự tăng trưởng yếu trong tháng Tư song Windows 10 cũng giúp Microsoft giảm bớt sự hiện diện của hệ điều hành Windows 7 trên thị trường. Cho đến nay, Windows 7 vẫn là hệ điều hành Windows phổ biến nhất trên thị trường. Nhưng trong tháng Tư vừa qua, lần đầu tiên, hệ điều hành này đã để tuột mốc nắm giữ trên 50% thị phần khi chiếm 48,81% thị phần (theo số liệu của Net Applications).