Độ chín về công nghệ và Chạy theo xu hướng thời trang khiến các sản phẩm giống hệt nhau.
Với điện thoại di động, thời gian trăm hoa đua nở về tính năng sản phẩm đã trôi qua 2 thập kỷ trước với những tên tuổi như Nokia, Sony Ericsson, Motorola. iPhone và Android phone xuất hiện mở ra một cuộc đua mới về cấu hình và tính năng phần cứng và giờ đây, đang hối hả đếm những ngày cuối cùng. Có chuyên gia thốt lên: Chưa khi nào điện thoại giống nhau đến thế, tất cả các hãng đều na ná nhau. Và đặc biệt giờ đây, khi sản phẩm được thiết kế chạy đua theo những mẫu mã thời thượng do 1,2 ông lớn dẫn đầu xu hướng thì sản phẩm lại càng giống nhau hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy sẽ vô cùng khó đoán nhà sản xuất là ai nếu chúng ta đưa ra 1 chiếc điện thoại mà che đi phần thương hiệu. Với thế giới giống nhau đến thế, các hãng làm gì để sản phẩm của mình trông khác biệt?
Khác biệt nhờ phát kiến tính năng mới
Trước đây các ông lớn trong làng công nghệ thường giới thiệu các tính năng công nghệ mới trên sản phẩm của mình. 2007, Apple giới thiệu điện thoại thuần cảm ứng đa điểm tích hợp với máy nghe nhạc và trình duyệt web. 2010, Motorola ra mắt Defy với khả năng chống nước. 1 năm sau đó, Samsung cho ra mắt Galaxy Note 1 với một màn hình Amoled “ngoại cỡ” rộng 5.3 inch cùng cây bút S-pen bị nhiều người cho là lỗi thời từ cái nhìn đầu tiên. Cùng ngay năm đó, Galaxy SII được ra mắt với giao diện TouchWiz 4.0 và Social Hub. Cứ theo đó các tính năng mới lần lượt được giới thiệu như Cảm biến chuyển động, Màn hình cong hoạt động độc lập, Camera kép, Cảm biến vân tay. Điều thú vị ở chỗ không phải ai ra mắt tính năng đó đầu tiên cũng sẽ thành công nhờ điều đó. Motorola, Sharp, Fujitsu hay LG là những hãng nổi tiếng với những phát kiến nhưng rồi không thành công. Trong khi cùng tính năng đó, đến lượt Apple hay Samsung làm thì được rất nhiều người yêu thích. Vì vậy, phát kiến ra tính năng mới chỉ là 1 phần câu chuyện.
Không phải cấu hình, mà là thiết kế thời trang
"Điện thoại đắt tiền, đương nhiên là có cấu hình cao”, "Chỉ có điện thoại dưới 3tr, người ta mới so đo cấu hình”, “Cấu hình cao mà kiểu dáng xưa thì giá nào cũng không mua”… Đó là vài thực tế đã hình thành rõ ràng nhanh chóng trong vài năm trở lại đây, khi mà kết quả của các cuộc đua cấu hình đã mang lại một khả năng đáp ứng về cấu hình có phần thừa thãi của nền công nghiệp này. Và khi đó yêu tố thời trang trong thiết kế kiểu dáng lên ngôi. Cứ 6 tháng đến 1 năm, kiểu dáng thiết kế thay đổi 1 lần. Apple là người dẫn đầu trong ngôn ngữ thiết kế, thành công liên tiếp trong 6 thế hệ iPhone đã qua và khiến một phần thế giới chạy theo bắt chước từ mẫu mã kiểu dáng đến màu sơn. Tuy nhiên chính bản thân Apple cũng không tránh khỏi thất bại vì thiết kế khi ra mắt iPhoneSE sử dụng lại mẫu thiết kế của iPhone4 - Thế giới người dùng không chấp nhận bỏ tiền ra để mua một thiết kế cũ. Kẻ khổng lồ Samsung bắt đầu đưa ra chuẩn mực thiết kế Android Phone từ thế hệ SII ra mắt năm 2011. Từ đó tới nay, Samsung là kẻ đối đầu trực tiếp với Apple trên cả phương diện "phổ cập" chuẩn mực thiết kế mới cho phần còn lại của thế giới. Như vậy tính năng mới là không đủ, người dùng giờ đây đòi hỏi thiết kế thời thượng và không còn quan tâm tới cấu hình như mặc định về khả năng đáp ứng.
Chiến dịch bán hàng rầm rộ và chính sách quản lý bán lẻ
15 triệu smartphone bán ra hàng năm, hơn 40 thương hiệu lớn nhỏ mới cũ chen chúc trong hơn 6000 điểm bán toàn quốc. Steve Jobs không tin vào hệ thống bán lẻ nên đã xây dựng chuỗi bán lẻ riêng của Apple. Nhưng không phải hãng nào cũng làm được câu chuyện đó. Samsung, Sony, HTC, BlackBerry đều mở ra đóng vào các cửa hàng thương hiệu riêng trên những mảnh đất vàng và vấn đề hiệu quả vẫn không có gì đảm bảo. Khi hãng không thể tự chủ được trên cửa hàng của riêng mình, thì khả năng chiến đấu tại các điểm bán lớn và hoạt động truyền thông quảng bá cùng với các chiến dịch bán hàng tiến hành rầm rộ trên quy mô lớn trở thành điểm tiên quyết để đưa những điểm khác biệt trên đến thành công.
Năm 2017 thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ chứng kiến sự có mặt của những người chơi mới: Nokia trở lại và Xiaomi đến Việt Nam. Với cách làm truyền thống (được coi là gen ADN) của 2 ông lớn này, chắc chắn người dùng sẽ có thêm lựa chọn. Trong thế trận đó, cánh cửa cho các thương hiệu nhỏ và nhà bán lẻ truyền thống càng ngày càng khép lại. Vì nếu bạn không có cả 3 giá trị trên để trở thành nhà đặt cửa trên ván bài lớn, chắc chắn bạn sẽ không là ai cả!