Tham gia Hội thảo có đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công thương); các trường đại học như Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Công nghiệp Việt Trì… - những "cái nôi" trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho ngành hóa chất. Cùng đó, còn có sự tham gia của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và các doanh nghiệp trực thuộc cùng các thành viên của Tổ chức Trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp hóa chất Việt Nam (VRCC) - những nơi đã, đang và sẽ tiếp nhận sử dụng nguồn lực nói trên...
Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án giáo dục thực hành dành cho sinh viên ngành hóa học với tên gọi “STEM” (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán học) được Tập đoàn Dow triển khai với trọng tâm phát triển nguồn nhân lực cho ngành cũng như cho Tập đoàn này tại Việt Nam. |
Hội thảo hướng đến xây dựng một diễn đàn chung để các trường đại học, các cơ sở đào tạo nắm bắt thông tin và các yêu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp, tổ chức, Viện nghiên cứu, từ đó phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển bền vững của ngành.
Tại đây, có 4 chủ đề lớn được các diễn giả và đại biểu tập trung thảo luận, gồm: (1) Xu hướng và tầm quan trọng của phát triển bền vững nói chung và phát triển bền vững cho ngành hóa học nói riêng; (2) Hóa học xanh và trách nhiệm xã hội; (3) Yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được sự phát triển bền vững của công nghiệp hóa chất Việt Nam; (4) Tích hợp phát triển bền vững, hóa học xanh và các khái niệm trách nhiệm xã hội trong các chương trình giáo dục và đào tạo ở các trường đại học Việt Nam.
Trong đó có nhiều tham luận có ý nghĩa thực tiễn lớn, đặc biệt là các đề xuất nhằm thúc đẩy đào tạo nhân lực phục vụ cho ngành công nghiệp hóa chất phát triển bền vững như: Chú trọng đào tạo ý thức và nhận thức của sinh viên về bảo vệ môi trường; đưa nội dung hóa học xanh vào giảng dạy; xây dựng một tiêu chuẩn thống nhất về đào tạo ngành hóa chất tại các trường đại học; và đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò của ngành hóa chất đối với việc phát triển các ngành công nghiệp.
Nhấn mạnh vào việc xây dựng nền "hóa học xanh" gắn với đào tạo nhân lực cho ngành, đại diện Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho rằng, cần có sự chung tay giữa các đơn vị hữu quan để thành lập các trung tâm nghiên cứu về Hóa học xanh tại viện nghiên cứu, trường đại học có sự hợp tác cùng các doanh nghiệp. Đồng thời, đưa nội dung hóa học xanh vào chương trình đào tạo tại các trường đào tạo ngành hóa.
Cùng đó, Nhà nước nên dành kinh phí cho hoạt động nghiên cứu và tổ chức các cuộc thi, trao thưởng cho các hoạt động có hiệu quả, ý tưởng độc đáo ở các trường đào tạo cũng như doanh nghiệp về chủ đề Hóa học xanh, bảo vệ môi trường. Tăng cường liên kết giữa nhà trường, các viện nghiên cứu với doanh nghiệp để hiện thực hóa các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và ở quy mô pilot vào thực tế.
Ông Đỗ Duy Phi, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Hóa học Việt Nam, Chủ tịch VRCC chia sẻ: “Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu. Điều này đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng nguồn nhân lực của các ngành kinh tế, trong đó có ngành hóa chất. Chúng tôi đánh giá cao ý nghĩa thực tiễn của Hội thảo lần này đối với việc xây dựng một diễn đàn để doanh nghiệp và cơ sở đào tạo tìm được tiếng nói chung trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chúng tôi mong rằng những mô hình hội thảo này sẽ tiếp tục được nhân rộng để việc đào tạo nguồn nhân lực cho ngành ngày càng đi vào thực tiễn.”
Ông Tomoyuki Sasama, Tổng Giám đốc Dow Việt Nam cho biết: “Là một doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hóa chất, chúng tôi luôn coi việc đóng góp cho sự phát triển chung của toàn ngành là một sứ mệnh và cũng là một phần của cam kết trở thành đối tác phát triển kinh tế và thành viên có trách nhiệm với cộng đồng. Vì vậy chúng tôi đã đưa trụ cột ‘Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp hóa chất’ làm trọng tâm của dự án STEM tại Việt Nam. Chúng tôi mong rằng sự thành công của Hội thảo sẽ là nền tảng để dự án STEM tiếp tục giúp Dow Việt Nam hiện thực hóa cam kết nói trên, qua đó nâng cao lợi thế cạnh tranh của toàn ngành nhằm phát triển theo hướng bền vững và có trách nhiệm với cộng đồng.”
Trước đó, từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay, để tạo điều kiện cho các sinh viên ngành hóa học có cơ hội cọ sát thực tế cũng như khơi dậy niềm đam mê hóa học của các em, dự án STEM đã tổ chức 7 chuyến tham quan thực tế các nhà máy với sự tham gia của hơn 400 em học sinh đến từ nhiều trường đại học khác nhau trên cả nước.
STEM là một trong rất nhiều sáng kiến đóng góp cho sự phát triển bền vững của cộng đồng đã được Dow Việt Nam triển khai trong hai thập kỉ qua như: Trang cấp hệ thống lọc nước đạt chuẩn của Bộ Y tế cho các trường học, bệnh viện vùng nông thôn; Xây dựng nhà cho người nghèo nhiều tỉnh, thành trên cả nước; Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về phát triển bền vững thông qua mô hình nền kinh tế tuần hoàn; Trao học bổng cho các tài năng trẻ Việt Nam… Những sáng kiến phát triển bền vững của Dow Việt Nam đã được Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội ghi nhận và trao tặng giải thưởng cống hiến cho cộng đồng trong hai năm liên tiếp (2015 - 2016).