"Chờ tận 2 tháng để cài đặt phần mềm thì làm gì còn ai muốn mua điện thoại xách tay nữa", anh Quang Trung, đại diện một hệ thống bán điện thoại xách tay tại Hà Nội cho biết.
Cách đây vài ngày, hàng loạt người dùng điện thoại Xiaomi đã chia sẻ lên các diễn đàn công nghệ về việc họ không thể unlock bootloader của máy để cài đặt firmware (hệ điều hành) bản quốc tế như trước.
Khi gửi yêu cầu tới Xiaomi, người dùng đã nhận được thông báo thời gian chờ lên tới 1.440 giờ (2 tháng) để có thể thực hiện việc này, trong khi đó, thời gian chờ trước đây chỉ 360 giờ (15 ngày).
Unlock bootloader là một thuật ngữ nói việc can thiệp vào hệ thống để có thể cài đặt những phiên bản phần mềm hệ thống khác vào máy. Smartphone xách tay của Xiaomi từ Trung Quốc về Việt Nam thường không có sẵn tiếng Việt, không có kho ứng dụng CH Play (do bị cấm ở Trung Quốc).
Đây là lý do chính khiến các cửa hàng khi xách tay điện thoại Xiaomi về Việt Nam phải tiến hành unlock bootloader để có thể cài đặt lại hệ điều hành phiên bản quốc tế để máy có thể hoạt động tương đương hàng chính hãng ở Việt Nam.
Để thực hiện thao tác này, người dùng sẽ phải tải công cụ unlock của Xiaomi, kết nối điện thoại với máy tính, đăng nhập tài khoản Mi sau đó tiến hành các bước unlock theo hướng dẫn. Cuối cùng, người dùng cần chờ hệ thống máy chủ của Xiaomi cấp phép để sang bước tiếp theo.
Đại diện của Xiaomi Việt Nam cho biết để hạn chế tình trạng nhập khẩu sản phẩm trái phép, hãng tạm thời đưa ra giải pháp tăng thời gian chờ với những yêu cầu mở khóa bootloader. "Việc này để ngăn chặn những lợi ích làm tổn hại đến việc kinh doanh của chúng tôi", đại diện hãng phản hồi qua email.
"Để hạn chế ảnh hưởng đến những người dùng đam mê công nghệ, chúng tôi đang làm việc hết mình để đưa ra những phương thức chống lại hành vi gian lận này sớm nhất có thể", vị này cho biết.
Có thể thấy, Xiaomi đang muốn ngăn chặn triệt để tình trạng bán điện thoại xách tay của hãng tràn làn trên thị trường như hiện nay. Xiaomi cũng cho biết nguồn hàng xách tay ảnh hưởng khá nhiều đến doanh số bán máy chính hãng cũng như khiến công ty không thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, Xiaomi đã bắt đầu ngăn chặn hàng xách tay từ khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam. Tháng 6/2017, hãng đã nâng cao chính sách bảo mật, yêu cầu thời gian unlock bootloader tối thiểu 72 giờ (3 ngày). Đến tháng 1/2018, thời gian đó nâng lên 360 giờ và hiện tại là 1.440 giờ.
Dù Xiaomi đã bước chân vào thị trường Việt Nam hơn một năm nhưng hàng xách tay vẫn có chỗ đứng riêng bởi giá bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, một số mẫu máy được người dùng ưa chuộng tại thị trường xách tay nhưng Xiaomi không mang về bán chính hãng tại Việt Nam như chiếc Xiaomi Mi 8 SE.
Thêm vào đó, hàng xách tay thường có mặt khá sớm trên thị trường chỉ sau 3-5 ngày khi Xiaomi bán ra tại Trung Quốc. Trong khi đó phải 1-2 tháng sau, máy chính hãng mới được bán ra tại Việt Nam.
Theo Xiaomi, thời gian chờ phụ thuộc vào việc người dùng mới đăng ký hay đã kích hoạt tài khoản Mi. "Nếu người dùng gặp phải tình trạng chờ đến 1.440 giờ, chúng tôi khuyến nghị nên liên hệ trung tâm chăm sóc khách hàng ủy quyền DigiCare của chúng tôi tại Việt Nam để xác minh tài khoản", đại diện Xiaomi cho biết.
Đây không phải lần đầu Xiaomi có biện pháp đối phó với hàng xách tay ở Việt Nam. Hồi đầu năm nay, hãng bán Mi A1 ở Việt Nam với giá thấp hơn ở Trung Quốc, khiến các cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay điêu đứng. Trước Việt Nam, Xiaomi từng thành công trong việc "tiêu diệt" hàng không chính ngạch ở Indonesia.
Ngoài việc không có CH Play, các smartphone Xiaomi xách tay từ Trung Quốc còn chứa phần mềm không phù hợp. Năm 2017, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM từng cảnh báo có các smartphone bán ở thị trường Việt Nam cài đặt bản đồ đường lưỡi bò vi phạm luật pháp quốc tế.
Khi đó, Xiaomi cũng lên tiếng cho rằng những máy được phân phối chính hãng tại Việt Nam không gặp tình trạng nói trên. Trên các máy "xách tay" (vốn là phiên bản nội địa cho thị trường Trung Quốc), Xiaomi không dùng phần mềm Google Maps, thay vào đó là ứng dụng Baidu Maps, hiển thị đường lưỡi bò trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.