Theo đại diện Zalo, để phát triển Kiki, đội ngũ làm sản phẩm của Zalo AI đã dành hơn 2 năm vừa nghiên cứu và xây dựng, phát triển. Đến thời điểm hiện nay, Kiki là trợ lý ảo duy nhất của Việt Nam được giới thiệu đến tập người dùng lớn khi có thể sử dụng trên các thiết bị phần cứng như trên ô tô, loa thông minh và chạy trên ứng dụng nghe nhạc Zing MP3.
Ông Vương Quang Khải - Senior EVP của VNG, Chủ tịch Zalo - cho biết: “Với tốc độ truyền tải thông điệp mà không có bất kỳ cách nhập liệu nào có thể so sánh, phương tiện giao tiếp hiệu quả nhất giữa con người và máy tính chính là giọng nói tự nhiên. Trong 5-10 năm tới, giọng nói sẽ trở thành công cụ để con người giao tiếp chính với máy tính”.
Theo đội ngũ phát triển, Kiki được kỳ vọng mang đến cho người Việt Nam một cuộc sống đơn giản hơn, thông minh hơn nhưng lại ít tốn thời gian, công sức hơn.
Cụ thể, việc giao tiếp bằng giọng nói mang đến trải nghiệm rảnh tay giúp Kiki phát huy lợi thế lớn trên ô tô. Người cầm lái được trải nghiệm cảm giác an toàn khi lái xe, đặc biệt là trên các dòng xe cao cấp như Maserati vốn đòi hỏi cao về chuẩn an toàn. Kiki trên Maserati có thể cung cấp thông tin nhanh chóng như đường đi, quán ăn, trạm xăng, thời tiết tại khu vực mà người dùng quan tâm.
Ngoài ra, thói quen người lái xe là nghe nhạc, nghe tin tức cũng được Kiki phục vụ rất tốt chỉ với các câu lệnh đơn giản như: Mở nhạc, Tắt nhạc, Mở bài hát bất kỳ, Tìm và phát nhạc theo lời bài hát, Thông tin về bài hát đang phát, Đọc tin tức… Kiki trên ô tô có thể cung cấp nhiều thông tin thú vị khác như, giá cả, kết quả xổ số hoặc trả lời những câu hỏi kiến thức cho người dùng như Tổng thống Mỹ là ai, vì sao bầu trời màu xanh…
Trên loa thông minh, Kiki có thể xem là trợ lý ảo cho cuộc sống hằng ngày, tích hợp đầy đủ các chức năng giúp cuộc sống thuận tiện hơn như nghe nhạc, kể chuyện, nghe tin tức, làm toán, quy đổi ngoại tệ, ghi chú, đặt lịch, và trả lời các câu hỏi theo yêu cầu người dùng...
Xây dựng trợ lý ảo với khả năng hiểu và thực hiện theo ý muốn của con người thông qua lời nói là đích đến mà nhiều công ty AI đều hướng tới. Trên thế giới, các tập đoàn công nghệ hàng đầu đều có những nền tảng trợ lý ảo của mình như Alexa của Amazon, Siri của Apple hay Google Assistant của Google… Tuy nhiên, đa phần các trợ lý này chỉ hỗ trợ tiếng Anh. Kiki ra đời trong bối cảnh AI đang phát triển nhanh chóng thể hiện khát vọng và trình độ của các kĩ sư Việt Nam không thua kém bạn bè thế giới. Điều này đã và đang góp phần cổ vũ các nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI ở Việt Nam.
Theo Zalo, trợ lý ảo Kiki được xây dựng dựa trên nhiều công nghệ tiên tiến nhất hiện nay mà thế giới đang áp dụng, trong đó có thể kể đến công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) và Knowledge Graph (Biểu đồ tri thức), dựa trên nền tảng Big Data (Dữ liệu lớn) để thực hiện những tác vụ quan trọng như hiểu tiếng nói, phân tích ngữ nghĩa và giả lập giọng nói dành cho tiếng Việt.