Zoom ra mắt phiên bản 5.0, cải tiến về bảo mật

Zoom ra mắt phiên bản 5.0, cải tiến về bảo mật
Tạp chí Nhịp sống số - Zoom Video Communications vừa công bố phiên bản Zoom 5.0, với các cải tiến mạnh mẽ về bảo mật. Theo Zoom, sự kiện này là dấu mốc quan trọng trong kế hoạch 90 ngày của công ty nhằm chủ động xác định, giải quyết và nâng cao khả năng bảo mật cũng như sự riêng tư.

Zoom, Zoom Video Communications, nền tảng họp trực tuyến,

Theo đó, Zoom cho biết đang nâng cấp lên tiêu chuẩn mã hóa AES 256-bit GCM, mang đến lớp bảo vệ tăng cường cho dữ liệu cuộc họp của bạn trong quá trình truyền tải và giúp chống giả mạo. Điều này mang đến khả năng bảo mật và truyền tải nguyên vẹn dữ liệu trên Zoom Meeting, Zoom Video Webinar và Zoom Phone. Dự kiến ra mắt trong tuần này, Zoom 5.0 sẽ hỗ trợ mã hoá GCM, và tiêu chuẩn này sẽ có hiệu lực ngay khi tất cả các tài khoản được kích hoạt với GCM. Việc kích hoạt tài khoản trên toàn hệ thống sẽ diễn ra vào ngày 30/5 tới đây. Đồng thời, tài khoản quản trị viên có thể lựa chọn khu vực máy chủ chứa dữ liệu để dùng trong các cuộc họp và hội thảo trực tuyến theo lưu lượng truy cập trong thời gian thực dựa trên tài khoản, nhóm, hoặc cấp bậc người dùng.

Hiện, các tính năng bảo mật của Zoom đã được tập hợp lại và dễ dàng tìm thấy tại biểu tượng Security trong thanh trình đơn của cuộc họp trên giao diện của người tổ chức cuộc họp. Ngoài ra, người tổ chức cuộc họp sẽ có thể báo cáo về người dùng đến Zoom thông qua biểu tượng Security. Họ cũng có thể ngăn không cho người tham gia đổi tên. Đối với các khách hàng về giáo dục, giờ đây việc chia sẻ màn hình chỉ được thiết lập mặc định cho người tổ chức cuộc họp.

Cùng đó, tính năng Waiting Room (Phòng Chờ) sẽ được bật mặc định cho các tài khoản liên quan đến giáo dục, tài khoản Basic và tài khoản Pro chỉ đăng ký một người dùng. Tất cả những người tổ chức cuộc họp giờ đây có thể bật Waiting Room khi cuộc họp đang diễn ra.

Độ phức tạp của mật khẩu cuộc họp và chế độ mặc định cũng được cải thiện. Theo đó, tính năng đặt Mật khẩu cuộc họp giờ đây được bật mặc định cho hầu hết tất cả người dùng, bao gồm các khách hàng Basic, gói Pro chỉ đăng ký một người dùng và gói K-12. Đối với các tài khoản cấp dưới, các tài khoản quản trị viên giờ đây sẽ được định ra độ phức tạp của mật khẩu (ví dụ như độ dài, yêu cầu có chữ và số, và yêu cầu về ký tự đặc biệt). Ngoài ra, các quản trị viên của Zoom Phone giờ đây có thể điều chỉnh độ dài của số pin được yêu cầu để truy cập vào voicemail (hộp thư thoại).

Không chỉ đối với người tổ chức cuộc họp, mật khẩu giờ đây được thiết lập mặc định đối với tất cả những người truy cập vào ghi âm trên đám mây, và mật khẩu này sẽ được yêu cầu về độ phức tạp. Đối với các tài khoản cấp dưới, các tài khoản quản trị viên giờ đây có thể định ra độ phức tạp của mật khẩu.

Zoom 5.0 sẽ hỗ trợ một cấu trúc dữ liệu mới dành cho các doanh nghiệp lớn hơn, cho phép họ liên kết các thông tin người dùng trên nhiều tài khoản, vì thế mọi người có thể tìm kiếm các cuộc họp, đoạn hội thoại và số điện thoại người dùng một cách dễ dàng và an toàn.

Bảng điều khiến (Dashboard) cũng được cải thiện, các quản trị viên ở các mảng kinh doanh, tập đoàn và giáo dục có thể nhìn thấy cách thức các cuộc họp kết nối với các trung tâm dữ liệu Zoom trong Zoom Dashboard. Trong đó bao gồm thông tin các trung tâm dữ liệu nào có kết nối với các máy chủ HTTP Tunnel, cũng như các Conference Room Connectors (cổng kết nối cho các thiết bị họp video trực tuyến) và các cổng gateway.

Người dùng giờ đây có thể chọn tắt hiển thị thông báo Zoom Chat trong cuộc hội thoại; các cuộc họp không phải của cá nhân (non-PMI) thì ID giờ đây sẽ có 11 chữ số để tăng độ phức tạp; và trong một cuộc họp, ID của cuộc họp và lựa chọn Invite (Mời) đã được chuyển từ giao diện chính của Zoom sang trình đơn của những người tham gia, nhằm giảm thiểu tình trạng chia sẻ nhầm ID cuộc họp.

“Tôi rất tự hào khi hoàn thành bước tiến này trong kế hoạch 90 ngày, nhưng đây mới chỉ là khởi đầu. Chúng tôi tạo nên công ty này để mang hạnh phúc đến cho khách hàng. Chúng tôi sẽ giành được sự tin tưởng của họ và mang đến niềm hạnh phúc bằng sự tập trung kiên định vào việc cung cấp một nền tảng bảo mật nhất”, ông Eric S. Yuan, CEO của Zoom chia sẻ.

 

Có thể bạn quan tâm

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân dự kiến sẽ được trình trong quý 2/2024. Trong đó, Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Bình Dương là các địa phương được chọn để tổ chức triển khai thí điểm.