10 sự kiện ICT nổi bật năm 2019 từ góc nhìn của các nhà báo công nghệ

10 sự kiện ICT nổi bật năm 2019 từ góc nhìn của các nhà báo công nghệ
Tạp chí Nhịp sống số - Ngày 26/12/2019, Câu lạc Nhà báo công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019. Có thể coi đây là bức tranh nổi bật của lĩnh vực này qua góc nhìn của giới truyền thông.

10 sự kiện Công nghệ Thông tin – Truyền thông nổi bật năm 2019

Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm ICT Press Club cho biết: Qua lăng kính của gần 50 nhà báo theo dõi lĩnh vực ICT đã phác họa nên bức tranh tranh ICT 2019 với nhiều gam mầu sáng tối. Trong đó, có 3 điểm nhấn căn bản là việc triển khai các hoạt động để xây dựng Chính phủ điện tử, chiến lược Make in Việt Nam để người Việt tự tin làm chủ công nghệ và Cách mạng 4.0 đem lại sự bứt phá cho nền kinh tế.

Tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển việc xây dựng Chính phủ điện tử về cho Bộ TT&T. Đây là một trong những chính sách được cho là mang tính cách mạng trong việc thúc đẩy sự phát triển Chính phủ điện tử. Bộ TT&TT có trách nhiệm tiếp nhận và triển khai nhiệm vụ thường trực hiệu quả, không làm gián đoạn tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trong thời gian tới, các đơn vị thuộc Bộ phải triển khai Chính phủ điện tử với tốc độ cao hơn và chất lượng tốt lên. Khi Chính phủ đi đầu về Chuyển đổi số, về Chính quyền điện tử, điều đó sẽ tốt cho người dân nhờ việc tiết kiệm chi phí, giảm nhũng nhiễu và công khai minh bạch. Các nhà quản lý hy vọng với quyết định của Thủ tướng chuyển việc xây dựng Chính phủ điện tử về cho Bộ TT&TT sẽ là bước đột phá mang tính cách mạng trong việc thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chính thức vận hành hệ thống E-Cabinet để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng ngay trên các thiết bị di động iPad. Cũng qua hệ thống E-Cabinet, các cuộc họp của Chính phủ sẽ rút ngắn thời gian hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hệ thống E-Cabinet là một bước thí điểm quy trình ứng dụng CNTT trong xử lý công việc. Muốn triển khai thành công nền kinh tế số, xã hội số thì phải có Chính phủ số mà khởi đầu là sự khai trương của hệ thống E-Cabinet.

Với mục tiêu thúc đẩy Chính phủ điện tử, Chính phủ cũng đã ra mắt Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia vào ngày 9/12/2019 - đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam.  Cổng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật thông tin. Tính ưu việt của Cổng Dịch vụ công Quốc gia thể hiện ở việc giảm thiểu tối đa thời gian khai báo thông tin cho người dùng. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 tài khoản tại địa chỉ dichvucong.gov.vn để tra cứu thông tin cũng như nộp hồ sơ trực tuyến các thủ tục hành chính và dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Một trong những điểm nhấn khá đậm nét năm 2019 đó là chiến lược “Make in Vietnam” được Chính phủ và Bộ TT&TT đẩy mạnh. Bộ TT&TT cho biết: "Make in Vietnam”, làm tại Việt Nam sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam của người Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ. Như vậy, cụm từ “Make in Vietnam” vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ. Trước chiến lược “Make in Vietnam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Thực hiện chiến lược “Make In Vietnam” nhiều doanh nghiệp ICT Việt Nam đã tuyên bố làm chỉ công nghệ và sản xuất được các sản phẩm, giải pháp tương đương với những sản phẩm cạnh tranh các hãng lớn trên thế giới. Viettel và Vingroup tuyên bố sản xuất thiết bị mạng 5G đưa Việt Nam trở thành top những quốc gia đi đầu thế giới về 5G. Vingroup cũng tuyên bố bỏ mảng bán lẻ để tập trung vào mảng công nghệ và bắt đầu nhảy vào sản xuất tivi để hoàn thiện hệ sinh thái của mình. Cũng trong năm 2019, một loạt mạng xã hội Việt Nam ra mắt như Gapo và và Lotus có những tuyên bố mạnh mẽ về thu hút người dùng. Bộ TT&TT khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng mạng xã hội của Việt Nam, tuy nhiên Bộ TT&TT cho rằng mạng xã hội của Việt Nam phải khác biệt với Facebook mới có thể tồn tại và phát triển được.

Một trong những điểm nhấn năm 2019 đó chính là Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước, phát triển mạnh mẽ kinh tế số. Đây được cho là cuộc cách mạng về tư duy để dùng công nghệ làm đòn bẩy phát triển đất nước và theo kịp xu hướng phát triển của toàn cầu.

Bên cạnh những mảng mầu sáng, thì bức tranh ICT cũng có nhiều gam mầu tối như hãn hàng Asanzo bị cáo buộc sản xuất TV nguyên chiếc Tại Trung Quốc, sau đó nhập  về Việt Nam bán dưới nhãn Made in Việt Nam. Bên cạnh đó xuất hiện hiện tượng giang hồ online khi có nhiều đối tượng xăm trổ, hoạt động đòi nợ, dạy cờ bạc như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền…  live stream trên mạng xã hội. Sau đó, các cơ quan chức năng đã nhanh chóng có các biện pháp xử lý chống nguy cơ lây lan các hiện tượng  “Lệch chuẩn” gây hiệu ứng xấu trong cộng đồng.

Cuối năm 2019, đại án MobiFone mua 95% cổ phần AVG đã được xét xử đã thu hút được đông đảo xã hội quan tâm. Theo bản cáo trạng, Bộ TT&TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone, có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Quá trình thực hiện dự án, các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh... của AVG, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 6.590 tỷ đồng. Vụ án này, không chỉ gây ra những thiệt hại về vật chất mà nó còn làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về một nhóm đối tượng có chức, có quyền đã lợi dụng để chiếm đoạt tiền của Nhà nước. Tuy nhiên, những đối tượng phạm tội đã bị đề nghị bản án khá nghiêm khắc.

Dưới góc nhìn của các phóng viên theo dõi lĩnh vực ICT, trong những gam mầu tối sáng trong bức tranh ICT Việt Nam 2019 đan xen, nhưng rõ ràng gam mầu sáng vẫn mang tính chủ đạo. Đây là những tiền đề, điều kiện quan trọng để lĩnh vực ICT đi vào từng ngõ ngách cuộc sống và là đòn bẩy thúc đẩy cho cả toàn ngành kinh tế cũng như đưa ra phương thức quản lý, quản trị mới cho bộ máy quản lý của Việt Nam và là cơ hội cho Việt Nam vươn lên hùng cường.

Danh sách 10 sự kiện ICT 2019 – Bình chọn của Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam

1. Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng 4.0
2. Xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG
3. Viêt Nam tuyên bố chiến lược Make in Vietnam
4. Việt Nam thử nghiệm mạng 5G
5. Bộ TT&TT siết chặt quản lý Google và Facebook
6. Vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia
7. Chính phủ đồng ý cho nhà mạng thí điểm Mobile Money
8. Ra mắt một loạt mạng xã hội Việt Nam
9. Xét xử giai đoạn 2 vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng
10. Chính phủ vận hành hệ thống E-Cabinnet

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.