Theo Microsoft, người lao động Việt Nam đang tận dụng trí tuệ nhân tạo để nâng cao kỹ năng, mặc dù các hỗ trợ từ phía tổ chức còn hạn chế. Thông tin được đưa ra từ báo cáo “Đưa AI vào công việc, thách thức nào đang chờ đợi”. Nghiên cứu này dựa trên khảo sát 31.000 người đến từ 31 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Theo báo cáo, 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng Generative AI (trí tuệ nhân tạo tạo sinh) ở nơi làm việc. Con số này cao hơn so với 75% lao động tri thức trên toàn cầu. Công nghệ này giúp họ tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính. Hầu hết (93%) người dùng AI tại Việt Nam thường xuyên bắt đầu ngày mới với AI, và 94% sử dụng nó để sẵn sàng cho ngày hôm sau. Tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với con số 85% trên toàn cầu.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam: Tại Việt Nam, AI không chỉ được dùng cho các công việc đơn giản như dịch tài liệu, tóm tắt, hay soạn thảo email mà ngày càng được sử dụng nhiều hơn cho các công việc đòi hỏi sự sáng tạo. Do đó, tỷ lệ lao động trí thức dùng AI ở Việt Nam tương đối cao.
Theo các chuyên gia, các công cụ Generative AI tại nơi làm việc đang ngày một phổ biến với tốc độ nhanh chóng. Các nhân viên tự trang bị công cụ trí tuệ nhân tạo và sử dụng theo cách của riêng mình và không chờ để nhận sự hỗ trợ từ công ty. Cụ thể, 70% người dùng AI tại Việt Nam đang sử dụng các công cụ AI cá nhân (còn gọi là Bring Your Own AI – BYOAI). Thực trạng này dẫn đến việc bỏ lỡ những lợi ích của việc áp dụng AI trên phạm vi rộng, đồng thời làm tăng nguy cơ về an toàn thông tin của dữ liệu của công ty.
Phần lớn các nhà lãnh đạo toàn cầu, trong đó có Việt Nam, lo ngại rằng tổ chức của họ không có đủ nhân lực để đảm nhận các vai trò quan trọng trong năm nay, đặc biệt là trong các lĩnh vực như an ninh mạng, kỹ thuật và thiết kế sáng tạo. Theo đó, 76% các nhà lãnh đạo tại Việt Nam cho biết họ sẽ không tuyển dụng những người không có kỹ năng về AI; 78% các nhà lãnh đạo tại Việt Nam cũng thừa nhận rằng họ ưu tiên tuyển dụng những ứng viên ít kinh nghiệm hơn nhưng có kỹ năng sử dụng AI hơn là những ứng viên giàu kinh nghiệm nhưng lại thiếu kỹ năng này.
Đáng nói là, theo báo cáo này, trong khi tỷ lệ sử dụng trí tuệ nhân tạo ở người lao động ở Việt Nam cao hơn thế giới thì việc khuyến khích sử dụng ở các cấp lãnh đạo lại ở chiều ngược lại. 89% lãnh đạo tại Việt Nam tin rằng công ty cần áp dụng AI để duy trì tính cạnh tranh nhưng có tới 48% trong số này thể hiện lo ngại về việc thiếu kế hoạch và tầm nhìn triển khai cụ thể.
Bà Nguyễn Quỳnh Trâm khuyến nghị: "Việt Nam cần phải thúc đẩy hơn nữa các cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp và lãnh đạo không chỉ thử nghiệm mà nên tận dụng trí tuệ nhân tạo như một trong các phương tiện chính để đạt được mục đích kinh doanh và tối ưu hóa hiệu quả của tổ chức”.