Theo dữ liệu từ Omdia và Bango, tại một số khu vực như Mỹ Latinh, khoảng 50% thuê bao video streaming theo yêu cầu (SVOD) mới sẽ đến từ các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong 5 năm tới. Hiện tại, nền tảng +pay của Verizon (Mỹ) cung cấp các gói để truy cập dịch vụ SVOD bên thứ ba như Netflix, Max và Paramount+.
Doanh thu từ thuê bao streaming video, nhạc và dịch vụ khác trên toàn cầu qua kênh của nhà mạng sẽ đạt tổng cộng 24,8 tỷ USD năm 2023, tăng lên 42,8 tỷ USD năm 2027, theo báo cáo. Thị trường streaming thế giới vẫn mạnh mẽ. Đầu năm nay, hãng nghiên cứu Juniper dự đoán thị trường tăng 268 tỷ USD trong vòng 3 năm tiếp theo.
Một khảo sát gần đây của Bango chỉ ra hơn 70% nhà mạng áp dụng chính sách bán gói truy cập SVOD đang có lợi thế lớn trong thu hút và giữ chân khách hàng. Gói này là động lực số 1 với các thuê bao mới.
Cả nhà mạng và nền tảng stream đều thắng lợi: nhà mạng giữ chân và có thêm khách hàng, nhà cung cấp dịch vụ nội dung tiếp cận người dùng mới. Tính đến cuối tháng 3, Omdia ước tính đã có hơn 1.600 quan hệ hợp tác giữa nhà mạng và các “ông lớn” streaming như Paramount+, Disney+, Max và Netflix. Khoảng 16,5% doanh thu video streaming năm nay có thể xuất phát từ các gói của nhà mạng và tăng lên 21,5% năm 2027.
Dù vậy, báo cáo cũng nêu ra thách thức hiện tại: nhà mạng đối mặt với thị trường bão hòa, doanh thu trên người dùng sụt giảm và tỷ lệ rời bỏ dịch vụ tiếp diễn. Dù lưu lượng mạng sẽ tăng 219% trong 5 năm, doanh thu dự báo chỉ tăng 14,6%.
Theo Anil Malhotra – đồng sáng lập Bango, với việc 1/5 thuê bao SVOD đã bán qua gói của nhà mạng, rõ ràng đang có sự chuyển dịch trên thị trường streaming. Ông nhận xét, streaming chỉ là một thành phần trong hiện tượng “Super Bundle” (siêu gói cước). Ngoài dịch vụ video, âm nhạc, Super Bundle còn có y tế, công việc… Nhà mạng càng cung cấp nhiều dịch vụ để khách hàng đăng ký, họ sẽ càng tạo ra sự gắn bó và chuyển hóa thành luồng doanh thu theo đúng nghĩa của nó.