2016 – năm của mã độc tống tiền và phần mềm quảng cáo bất hợp pháp

2016 – năm của mã độc tống tiền và phần mềm quảng cáo bất hợp pháp
Tạp chí Nhịp sống số - Mã độc mã hóa tống tiền và phần mềm quảng cáo bất hợp pháp sẽ là những xu hướng chính của mã độc trong năm 2016, đây là thông tin được đưa ra trong Bản tin Tổng kết an ninh mạng năm 2015 và dự báo xu hướng 2016 do Tập đoàn công nghệ Bkav thực hiện.

Bkav, an ninh mạng, Mã độc tống tiền, phần mềm quảng cáo bất hợp pháp, ransomeware,

Theo đó, Bkav cho biết, năm 2015 ghi nhận hàng loạt cuộc tấn công trên diện rộng của mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomeware) và sự trở lại của phần mềm quảng cáo bất hợp pháp (adware) núp bóng dưới các phần mềm tiện ích. Đặc điểm chung của các dòng mã độc này là có thể mang lại “lợi nhuận” trực tiếp khổng lồ cho hacker.

Đây là nguyên nhân dẫn đến nhận định về xu hướng chính của mã độc trong năm 2016, với sự “hoành hành” của mã độc mã hóa tống tiền và phần mềm quảng cáo bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, bản tổng kết an ninh mạng của Tập đoàn này cũng chỉ ra, các cuộc tấn công bằng phần mềm gián điệp (spyware) để đánh cắp thông tin và các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) đã ngày càng mang màu sắc chính trị (như vụ tấn công vào Sony Pictures, Bộ Quốc phòng Mỹ, Quốc hội Đức)… “Với cách thức dễ dàng thực hiện và hiệu quả cao, chúng ta sẽ thường xuyên chứng kiến các cuộc tấn công mạng này đi kèm theo các xung đột, tranh chấp chính trị trong thời gian tới”, ông Ngô Tuấn Anh – Phó chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Bkav chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tổng kết an ninh mạng năm 2015, các chuyên gia an ninh mạng của Bkav ghi nhận, trước các cảnh báo về những nguy hiểm từ các ứng dụng giả mạo cho di động, người sử dụng đã chuyên nghiệp hơn trong việc tải ứng dụng. Chương trình đánh giá của Bkav trong năm 2015 cho thấy, đã có 58% người sử dụng quan tâm đến thông tin nhà sản xuất khi quyết định tải một phần mềm. So với 13% của năm trước, con số này là sự cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Sơn - Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav, với hơn 40% người sử dụng chưa quan tâm đến thông tin nhà sản xuất thì nguy cơ lây nhiễm mã độc từ ứng dụng giả mạo vẫn còn rất hiện hữu. "Có hàng chục nghìn ứng dụng được tải lên Internet mỗi ngày, vì thế thông tin về nhà sản xuất và số lượt tải về là những yếu tố quan trọng giúp người dùng phân biệt ứng dụng “xịn” và ứng dụng giả mạo", ông Sơn nói.

Trước đó, nhiều hãng bảo mật và các đơn vị nghiên cứu về an ninh mạng cũng đưa ra những cảnh báo tương tự về sự gia tăng của xu hướng tấn công mạng với mục đích chính trị trong năm 2016. Theo đó, tin tặc sẽ triển khai các phương thức tấn công để tiêu diệt mục tiêu một cách có hệ thống vào những dữ liệu quan trọng của nhiều doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Có thể bạn quan tâm