5G - Cơ hội và thách thức với chuyển đổi số doanh nghiệp

5G - Cơ hội và thách thức với chuyển đổi số doanh nghiệp
Tạp chí Nhịp sống số - Hiện, Việt Nam đặc biệt quan tâm ứng dụng 5G vào nông nghiệp, công nghiệp công nghệ cao và CMCN lần thứ 4. Đây là nhận định được ông Trần Đức Lai, Chủ tịch Hội Vô tuyến-Điện tử Việt Nam, đưa ra tại World Mobile Broadband & ICT 2021.

Hội thảo World Mobile Broadband & ICT 2021 thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu với hơn 12 diễn giả trong nước và quốc tế. Sự kiện do Tập đoàn IDG tổ chức. 

Nội dung hội thảo tập trung vào hai vấn đề trọng yếu của ngành Viễn thông và CNTT. Một là xây dựng, phát triển mạng 5G, bao gồm cả hạ tầng và các dịch vụ trên nền tảng đó. Hai là thách thức và giải pháp chuyển đổi hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp lên nền tảng điện toán đám mây. 

Theo số liệu Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT và TT), tính đến hết tháng 2, tại Việt Nam tổng số thuê bao băng thông rộng cố định vượt 17,2 triệu thuê bao, tổng thuê bao băng thông rộng di động đạt gần 69,5 triệu thuê bao. Để góp phần hiện thực hóa đề án chuyển đổi số quốc gia vào năm 2030 và thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế số, các hoạt động đầu tư, khai thác viễn thông tại Việt Nam cần nhiều đổi mới, tạo bước phát triển nhảy vọt.

Theo nghiên cứu của Viện Chiến lược TT và TT, tỷ lệ đóng góp của 5G vào vào tăng trưởng GDP được dự báo đạt 7,34% vào năm 2025. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng cứ tăng thêm 10% thuê bao băng rộng thì GDP sẽ tăng tương ứng 0,1%.

Chính vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2025 đã nhiều lần khẳng định rất rõ vai trò của dịch vụ ICT trong phát triển kinh tế xã hội.

Tham gia sự kiện, ông Đặng Thanh Hưng (Giám đốc Trung tâm CNTT, ban KHDN thuộc VNPT VinaPhone) đã có bài tham luận về chủ đề "Cơ hội và thách thức chuyển đổi số doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ viễn thông thế hệ tiếp theo". Với bài tham luận này, ông Đặng Thanh Hưng đã mang đến góc nhìn mới về công cuộc chuyển đổi số cũng như chia sẻ những kinh nghiệm chuyển đổi số của Tập đoàn VNPT đơn vị chủ quản của VinaPhone. Qua đây, VNPT cũng một lần nữa khẳng định Tầm nhìn 2025 của Tập đoàn, đó là trở thành nhà cũng cấp sản phẩm, dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam và vươn tầm khu vực Châu Á. 

Ông Đặng Thanh Hưng – Giám đốc Trung tâm CNTT, VNPT Vinaphone lên nhận giải thưởng "Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng Dịch vụ Băng thông rộng Di động"

Trong khuôn khổ sự kiện này,  VinaPhone đã được vinh danh là "Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng Dịch vụ Băng thông rộng Di động".

Danh hiệu được trao tặng dựa trên kết quả cuộc khảo sát bình chọn Nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng di động và ISP tiêu biểu năm 2021 do Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) và Hội Vô tuyến – Điện tử Việt Nam (REV) tiến hành thường niên từ năm 2017. 

Theo đại diện IDG, cuộc khảo sát được tiến hành từ ngày 01/01/2021 đến ngày 05/03/2021 với sự tham gia của 8.400 khách hàng trên toàn quốc. Họ là những người đã và đang sử dụng dịch vụ băng thông rộng di động. Qua đó, Ban tổ chức đã thống kê được những nhận định chung của người sử dụng về chất lượng dịch vụ, với từng tiêu chí cụ thể.

Được vinh danh tại hạng mục "Nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tiêu biểu về Chất lượng Dịch vụ Băng thông rộng Di động", VinaPhone đã đạt kết quả cao ở 5 tiêu chí gồm: Chất lượng sóng, Đảm bảo kết nối ổn định vào thời gian cao điểm, Tương xứng giữa chất lượng và giá cước, Tốc độ tải dữ liệu (Download) và Tốc độ đăng dữ liệu (Upload). 

Danh hiệu này là sự ghi nhận của người dùng đối với đơn vị đã nỗ lực xuất sắc trong việc cung cấp dịch vụ chất lượng đến cộng đồng. 

Tháng 12/2020, VinaPhone đã trở thành nhà mạng đầu tiên được cấp phép phủ sóng 5G thương mại tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh. Trải nghiệm thực tế cho thấy, tốc độ của VinaPhone 5G lên đến hơn 1 Gbps, nhanh gấp 10 lần so với mạng 4G và có độ trễ gần như bằng 0. Từ đó đến nay, VinaPhone liên tục phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống kỹ thuật để mở rộng vùng phủ sóng 5G, tăng trải nghiệm người dùng một cách tốt nhất.  

IDG là tập đoàn hàng đầu thế giới về truyền thông trong lĩnh vực công nghệ, nghiên cứu thị trường và tổ chức sự kiện công nghệ thông tin. Được thành lập vào năm 1964 và có trụ sở tại Boston (Massachusetts, Hoa Kỳ), các sản phẩm và dịch vụ của IDG được cung cấp tới hơn 280 triệu người tiêu dùng công nghệ tại 97 quốc gia trên thế giới.

Có thể bạn quan tâm