5G là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu xây dựng kinh tế số

Tạp chí Nhịp sống số - Theo các chuyên gia, 5G là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu xây dựng kinh tế số, và mức đóng góp sẽ vào khoảng 20% GDP vào năm 2025.

5G là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu xây dựng kinh tế số

Ngày 30/9, Báo Đầu tư tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” với sự tham gia của nhiều chuyên gia.

Kinh tế số
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư 

Phát biểu khai mạc, ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư cho biết phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Đây cũng là quan điểm được nêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

"Chúng tôi vọng sẽ được các chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực này chia sẻ thêm những kinh nghiệm, bài học hay rút ra từ thực tiễn trong và ngoài nước và những kiến giải, khuyến nghị, giải pháp để giải quyết thành công những nhiệm vụ nói trên, góp phần tạo lực đẩy cho chuyển đổi số và tăng tốc kinh tế số tại Việt Nam”, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nói.

Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết công nghệ 5G đang tạo ra những thay đổi đáng kể trên toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghiệp đòi hỏi kết nối nhanh và đáng tin cậy.

Kinh tế số
Bà Rita Mokbel, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ericsson Việt Nam

Nêu ra nhiều dẫn chứng khi triển khai 5G tại Singapore, Ấn Độ và Malaysia, bà Rita Mokbel, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Ericsson Việt Nam cho rằng: 5G rõ ràng đang mang lại lợi thế cạnh tranh cho các quốc gia như Ấn Độ và Malaysia khi Chính phủ có những hỗ trợ mạnh mẽ.

"Việt Nam có thể học hỏi từ những thành công này, đặc biệt khi tập trung vào việc thúc đẩy các lĩnh vực như sản xuất, logistics và thành phố thông minh, là những ưu tiên hàng đầu trong các kế hoạch phát triển của Chính phủ", bà Rita Mokbel nói.

kinh tế số
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), 

Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), Việt Nam đã cấp phép 5G thông qua đấu giá băng tần cho 3 doanh nghiệp viễn thông với khoảng 12.600 tỷ đồng. Điều này thể hiện cam kết vá quyết tâm rất lớn của các doanh nghiệp trong việc đầu tư vào mạng 5G. Các doanh nghiệp còn phải cam kết triển khai mạng lưới với tối thiểu 3000 trạm phát sóng sau năm 2026 và vào đầu năm 2024 đã phải triển khai tối thiểu 30% số trạm; tốc độ dịch vụ truy cập Internet phải đạt trung bình 100 Mb/s. 

Đồng tình, bà Rita Mokbel cũng đánh giá, Việt Nam đang từng bước xây dựng hạ tầng số hiện đại để hỗ trợ 5G, với dấu ấn quan trọng là việc đấu giá các băng tần 5G gần đây bởi Bộ Thông tin và Truyền thông.“Các băng tần 2600 MHz và 3700 MHz đã được cấp phép, đánh dấu những bước tiến quan trọng trong hành trình này”.

Theo bà Rita Mokbel, 5G có tiềm năng trở thành một nhân tố chuyển đổi quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, cho phép tự động hóa, nâng cao năng suất và tối ưu hóa quản lý tài nguyên. Các ngành như sản xuất, logistics và thành phố thông minh sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Đối với Việt Nam, 5G sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghiệp 4.0, thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đáng chú ý, Private 5G network (tạm dịch: hạ tầng mạng di động riêng biệt) sẽ cho phép các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và giảm chi phí, đồng thời mang lại cơ hội doanh thu mới cho các nhà mạng viễn thông. “5G sẽ là công cụ quan trọng để Việt Nam đạt được mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, dự kiến sẽ đóng góp 20% GDP của đất nước vào năm 2025”, bà Rita Mokbel nhấn mạnh.

Về việc triển khai của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Phong Nhã cho biết hiện nay các nhà mạng đang khẩn trương lắp đặt thiết bị và triển khai tại một số tỉnh thành phố và nếu khách hàng nào tinh ý sẽ thấy ở một số nơi mạng 5G cũng đã cung cấp ở khu vực nhỏ. Ngoài ra, các doanh nghiệp phải ưu tiên phát triển mạng 5G tại các khu công nghiệp; khu công nghệ cao để đáp ứng nhu cầu ứng dụng các đặc tính rất nổi trội của 5G đó là tốc độ cao và độ trễ thấp. 

Việt Nam cần cải thiện môi trường cho các dịch vụ số

Kinh tế số
ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành, Grab Việt Nam 

Đánh giá về nền kinh tế số tại Việt Nam, ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành, Grab Việt Nam cho rằng Việt Nam là thị trường hấp dẫn bởi dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng di động cao. Đây cũng là những yếu tố đã giúp Grab Việt Nam phát triển trong 10 năm qua. Dẫu vâỵ, vị này cho rằng còn đang cần nhiều việc phải cải thiện, chẳng hạn như môi trường thân thiện hơn đối với các dịch vụ số; thúc đẩy hơn nữa sự thâm nhập, nâng cao nhận thức và lòng tin, giúp những người ít am hiểu và nhận thức về công nghệ hiểu được những lợi ích mà họ có thể nhận được từ một nền kinh tế số. 

"Công nghệ đang phát triển rất nhanh, và nền kinh tế số cũng đang đổi mới rất nhanh chóng. Điều chúng tôi đề xuất, trước hết, là làm việc về kiểm tra chính sách hoặc môi trường kiểu sandbox để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới khi chúng xuất hiện hoặc sự phát triển của các công nghệ hiện có khi chúng xuất hiện”, lãnh đạo Grab Việt Nam nói.

Ngoài ra, ông Alejandro Osorio cũng cho rằng cần thường xuyên xem xét, đánh giá lại các chính sách hiện có để có thể đảm bảo sự phù hợp giữa các quy định pháp lý và công nghệ.

Có thể bạn quan tâm