Triển khai hàng loạt biện pháp "vượt khó"
Để vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn này, ngay từ đầu năm 2021, Tập đoàn VNPT đã có những hành động cụ thể như điều chỉnh chính sách động lực, cơ cấu lại sản phẩm, nâng tốc độ các gói cước di động…
Đồng thời, VNPT cũng đẩy mạnh hợp tác với các khách hàng là các Tổng Công ty, Tập đoàn, Ngân hàng, hiệp hội…; tiếp tục triển khai ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về chuyển đổi số.
Với nỗ lực không ngừng của tập thể CBCNV, các đơn vị của VNPT đã quyết liệt, tập trung triển khai có hiệu quả các kế hoạch hành động, linh hoạt trong điều hành các hoạt động SXKD theo diễn biến và nhu cầu của thị trường, của khách hàng. Nhờ đó, kết quả doanh thu và lợi nhuận 6 tháng của Tập đoàn VNPT vẫn đạt tăng trưởng so với cùng kỳ, và so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp trong lĩnh vực VT-CNTT được đánh giá ở mức khá. Doanh thu hợp nhất Tập đoàn VNPT đạt 26.503 tỷ đồng, tương đương 45,6% kế hoạch, tăng 5,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận hợp nhất toàn Tập đoàn VNPT đạt 3.586 tỷ đồng, tương đương 48,2% so với kế hoạch, tăng 3,1% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng qua, VNPT vẫn đảm bảo thu nhập ổn định cho người lao động bằng với cùng kỳ năm 2020.
Bên cạnh đó, VNPT cũng đã chung tay cùng Chính phủ và người dân trong cuộc chiến chống COVID-19. Bên cạnh việc đóng góp 400 tỷ đồng vào Quỹ vaccine phòng, chống COVID-19, VNPT cũng đã kịp thời có các chương trình hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nền của đại dịch, đã triển khai kịp thời các chương trình, chính sách phù hợp để hỗ trợ khách hàng của mình vượt qua những khó khăn do bệnh dịch gây ra.
Trước mắt còn nhiều khó khăn khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường cạnh tranh mạnh bằng chính sách gói cước, doanh thu từ các dịch vụ truyền thống suy giảm …, song lấy kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm làm động lực, Tập đoàn VNPT vẫn quyết tâm cao cho 06 tháng cuối năm với doanh thu hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 31.673 tỷ đồng.
Tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong Chuyển đổi số quốc gia
Có thể thấy, đến thời điểm này hệ sinh thái số VNPT với nhiều sản phẩm dịch vụ công nghệ cốt lõi đã phủ khắp mọi lĩnh vực từ Chính phủ số, Y tế, Giáo dục, Du lịch, Nông nghiệp… góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, điển hình như bộ giải pháp Chính quyền điện tử của VNPT đã có mặt ở 61/63 tỉnh, thành phố.
VNPT đã và đang khẳng định được vị trí tiên phong, vai trò của một Tập đoàn công nghệ với việc triển khai thành công các dự án công nghệ trọng điểm quốc gia như: Trục liên thông văn bản quốc gia; Cổng dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư… Không chỉ tập trung xây dựng các giải pháp chuyển đổi số cho Chính phủ và các Bộ ngành, VNPT còn nghiên cứu, triển khai các bộ máy điều hành số tại các địa phương. Đó là Trung tâm điều hành, giám sát thông minh (IOC) tích hợp 10 dịch vụ về giám sát, điều hành chỉ tiêu KT-XH, giám sát dịch vụ hành chính công, văn bản điện tử, dịch vụ kết nối người dân - chính quyền; Giám sát điều hành lĩnh vực Y tế, Giáo dục, Du lịch, Giao thông… Hiện IOC đã được VNPT triển khai tại 32 tỉnh, thành phố.
VNPT vẫn tiếp tục tập trung nguồn lực để thực hiện các hoạt động nhằm chuyển đổi thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số hàng đầu Việt Nam và trở thành doanh nghiệp trụ cột trong quá trình chuyển đổi số Quốc gia với các dịch vụ chiến lược tập trung vào lĩnh vực số. VNPT đặt ra mục tiêu làm chủ nhiều nền tảng công nghệ quan trọng, chuẩn hóa các quy trình sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường cũng như phát triển hệ sinh thái sản phẩm CNTT đa dạng và hiện đại hàng đầu tại Việt Nam.