Đã có rất nhiều thay đổi kể từ lúc đó tới giờ, 10 năm đã trôi qua và AI đang được sử dụng cho gần như tất cả mọi thứ liên quan đến công nghệ, từ chụp ảnh trên điện thoại thông minh cho đến phân tích tính cách của nhân viên trong các cuộc phỏng vấn xin việc, thậm chí các thói quen mua hàng ở siêu thị cũng được phân tích kỹ lưỡng nhờ vào AI.
Càng ngày AI càng phổ biến nhưng cũng gây ra nhiều tranh cãi, nhất là kể từ khi nó được sử dụng để giám sát, nhận diện khuôn mặt hoặc truyền bá các thông tin sai lệch (fake news) và cả những video giả mạo bằng công nghệ deep fake (dựa trên thuật toán máy học), rất nhiều mặt trái của công nghệ đang bị khai thác theo chiều hướng tiêu cực…
AI đã đổ bộ và xâm chiếm nhiều lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống của chúng ta trong thập kỷ qua như thế nào? Câu trả lời nằm ở những tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực này, kết hợp với chi phí truy cập Internet ngày càng phải chăng hơn và các máy tính ngày càng mạnh mẽ hơn.
Pedro Sebastos, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Washington (Mỹ) cho rằng, "mười năm trước, học sâu không nằm trong tiềm thức của bất kỳ ai, giờ đây nó có trong mọi thứ". Tuy nhiên, thực tế hiện nay AI vẫn còn khá đơn giản. Chẳng hạn, một thuật toán máy học thường chỉ làm một việc nhất định và thường yêu cầu nhập liệu hàng núi dữ liệu để học cách làm tốt nó. Do vậy, hiện rất nhiều nghiên cứu về AI đang tập trung đào tạo các hệ thống máy học tốt hơn trong việc khái quát hóa và cần tới ít dữ liệu đầu vào hơn để học hỏi.
Sebastos nhận định, "chúng ta đã đi được một ngàn dặm, nhưng vẫn còn một triệu dặm phải vượt qua". Chỉ mới đó đã mười năm trôi qua, và ngàn dặm đó đã nằm lại ở phía sau gương chiếu hậu của hành trình đi về tương lai. Hãy cùng CNN nhìn lại cuộc hành trình của AI trong 10 năm và điểm lại 6 trong số nhiều lĩnh vực mà trí tuệ thông minh đã tạo ra ảnh hưởng sâu rộng nhất trong cuộc sống của chúng ta:
Điện thoại thông minh
Ngày nay, AI có mặt trên tất cả các điện thoại thông minh, từ phần mềm nhận dạng khuôn mặt để mở khóa điện thoại cho đến các ứng dụng phổ biến như Google Maps. Càng ngày, các công ty lớn như Apple và Google càng cố gắng chạy đua nhúng AI trực tiếp vào các thiết bị cầm tay, với các chip đặc biệt hỗ trợ khả năng điều khiển bằng AI.
Do đó, các hoạt động thường ngày như nhận diện giọng nói hiện được thực hiện ngay trên điện thoại thay vì từ máy tính từ xa (máy chủ) như trước, giúp nó có thể cung cấp nhanh các bản dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác mà vẫn đảm bảo giữ được sự riêng tư của bản dịch.
Ví dụ đơn giản, vào tháng 10 vừa qua, Google giới thiệu ứng dụng ghi âm có tên là Recorder tích hợp trên điện thoại Pixel 4 (và giờ đã có mặt trên Pixel 3, 3a…) cho phép ghi âm và chuyển thành văn bản (text) theo thời gian thực. Nó tự nhận diện những nội dung bạn nói và xác định các nguồn âm khác nhau như âm nhạc hay tiếng vỗ tay, sau đó cho phép tìm kiếm nội dung bản ghi bằng từ khóa.
Sở dĩ ứng dụng chỉ mới chạy trên Google Pixel vì Google cho biết điều này rất khó thực hiện, do cần tới một số hoạt động AI “ngốn pin” và chiếm nhiều tài nguyên xử lý. Nếu người dùng thích thú, ngày sẽ càng có nhiều AI được nhúng vào điện thoại.
Mạng xã hội
Khi Facebook ra mắt lần đầu tiên vào năm 2004, nó chỉ mới tập trung vào việc kết nối mọi người. Giờ đây, họ giao cho trí tuệ nhân tạo xử lý công việc đó. AI đã trở thành trung tâm của các sản phẩm của công ty mà một năm trước nhà khoa học AI của Facebook là Yann LeCun cho rằng, “nếu không tìm hiểu kỹ thì mạng xã hội sẽ chỉ là “rác bụi””.
Sau nhiều năm đầu tư, giờ đây nhờ các thuật toán học sâu đã giúp Facebook (và các mạng xã hội khác) củng cố lại mọi thứ, từ các bài đăng và các quảng cáo bạn thấy trên trang web cho đến các bức ảnh có thể tự động gắn thẻ bạn bè của bạn.
Ngoài ra, nó còn được lập trình để giúp nhận diện và loại bỏ các nội dung hoặc ngôn từ kích động sự thù địch khỏi mạng xã hội. Dù vẫn còn một chặng đường dài phía trước, nhất là trong việc phát hiện ra các hành vi bạo lực hoặc bắt nạt trực tuyến, nhưng những thành tựu đầu tiên đã chứng minh khả năng ứng dụng của AI vào thực tế là rất rõ ràng.
Facebook không phải là công ty duy nhất đưa AI vào thuật toán của họ, ngoài ra còn Instagram, Twitter và nhiều mạng xã hội khác cũng dựa vào AI.
Trợ lý ảo
Bất cứ khi nào bạn “trò chuyện” với các trợ lý ảo như Alexa của Amazon , Siri của Apple, Cortana của Microsoft hoặc Assistant của Google, bạn sẽ có những tương tác gần hơn với AI. Nó sẽ cố gắng hiểu những gì bạn đang trao đổi để trả lời bạn trong mức nó có thể hiểu.
Sự trỗi dậy của các trợ lý ảo này bắt đầu từ năm 2011, khi Apple phát hành Siri trên iPhone. Google đã theo gót với Google Now vào năm 2012 và giờ đây là Google Assistant (kể từ 2016).
Nhiều người cảm thấy sự trợ giúp của các trợ lý ảo từ Apple và Google đang quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh, thì Amazon nhanh chóng giúp họ bớt ràng buộc hơn thông qua trợ lý ảo Alexa được ra mắt vào năm 2014 thông qua loa thông minh Amazon Echo, giúp thị trường trợ lý ảo thực sự bùng nồ và gián tiếp đưa AI tới gần người dùng hơn.
Giám sát
Khi AI đã được cải thiện, người ta bắt đầu sử dụng nó như là một công cụ giám sát. Một trong những điều gây tranh cãi nhất trong số này là công nghệ nhận dạng khuôn mặt, xác định danh tính thông qua video trực tiếp, video ghi lại hoặc ảnh tĩnh.
Dĩ nhiên là nó nhận diện bằng cách so sánh các đặc điểm của khuôn mặt với cơ sở dữ liệu của nó (các ảnh chụp về khuôn mặt). Nó được sử dụng trong nhiều bối cảnh khác nhau: tại các buổi hòa nhạc, các camera an ninh của cảnh sát và tại các sân bay.
Tuy nhiên, các hệ thống nhận dạng khuôn mặt đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, do lo ngại về quyền riêng tư và độ chính xác. Chẳng hạn, vào tháng 12 vừa qua một nghiên cứu của chính phủ Mỹ cho thấy sự thiên vị về sắc tộc trong gần 200 thuật toán nhận diện khuôn mặt, những nhóm người thiểu số như da đỏ hay da đen có khả năng bị nhận diện nhầm cao hơn so với người da trắng.
Chăm sóc sức khỏe
AI ngày càng được sử dụng để chẩn đoán và quản lý tất cả các phân loại sức khỏe, từ phát hiện ung thư phổi cho đến theo dõi các vấn đề về sức khỏe tâm thần và các vấn đề về đường tiêu hóa. Mặc dù phần lớn công việc này vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc thử nghiệm, nhưng có những công ty khởi nghiệp - như Mindstrong Health, đã sử dụng một ứng dụng để đo lường tâm trạng ở những bệnh nhân đang đối phó với các vấn đề về sức khỏe tâm thần - đang thử nghiệm hệ thống AI với con người.
Hai công ty khởi nghiệp ở gồm Auggi, một công ty khởi nghiệp về sức khỏe đường ruột xây dựng một ứng dụng để giúp theo dõi các vấn đề về đường tiêu hóa và Seed Health – công ty bán men vi sinh và hoạt động ở lĩnh vực áp dụng các loại vi khuẩn có lợi để tăng cường sức khỏe cho con người.
Vào tháng 11 vừa qua, họ bắt đầu thu thập những bức ảnh phân tích từ dữ liệu công cộng mà họ dự định sử dụng để tạo ra một bộ dữ liệu hình ảnh về phân của con người. Auggi muốn sử dụng những hình ảnh này để tạo ra một ứng dụng có thể sử dụng thị giác máy tính để tự động phân loại các loại chất thải khác nhau nhằm nhận diện những người có vấn đề liên quan đến đường ruột mãn tính - như hội chứng ruột kích thích hoặc IBS – phần việc mà trước đây các bác sĩ thường phải theo dõi thủ công bằng tay bằng bút và giấy.
Nghệ thuật
AI có thể tạo ra nghệ thuật? Càng ngày câu trả lời càng củng cố là có. Trong 10 năm qua, không ít lần AI đã được sử dụng để tạo ra các tác phẩm âm nhạc, tranh vẽ và nhiều thứ khác có vẻ “rất giống” với những thứ mà con người có thể nghĩ ra, dù ban giám khảo vẫn chưa biết liệu một cỗ máy có thực sự sở hữu sự sáng tạo hay không. Và đôi khi, nghệ thuật đó thậm chí có thể sinh lợi.
Minh chứng rõ ràng nhất là một tác phẩm “ảo diệu” do AI tạo ra vào năm 2018 có tên là "Edmond de Belamy" đã trở thành tác phẩm đầu tiên do một chiếc máy tính (AI) tạo ra được bán đấu giá công khai. Dĩ nhiên, bản vẽ được tạo ra bằng kỹ thuật tiên tiến gọi là Gans, bao gồm hai mạng thần kinh cạnh tranh với nhau để tạo ra một thứ gì đó mới mẻ dựa trên kho dữ liệu đầu vào của nó.
Trong trường hợp này, bộ dữ liệu bao gồm một loạt các bức tranh nghệ thuật hiện có, tác phẩm của AI tạo ra là một bức tranh hoàn toàn mới dựa trên khả năng học hỏi của nó.