Tạp chí Forbes đã nêu các xu hướng nổi bật nhất năm 2024 trong lĩnh vực y tế.
AI tạo sinh
Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng vai trò quan trọng trong nhiều xu hướng. Nhưng AI tạo sinh (tập trung vào việc tạo ra nội dung/dữ liệu mới dựa trên dữ liệu hiện có) sẽ có tác động đặc biệt trong 12 tháng tới.
Nó sẽ hỗ trợ quyền truy cập vào các ứng dụng AI khác, đơn giản hóa việc triển khai và diễn giải kết quả điều trị và đưa ra các đề xuất riêng cho từng cá nhân. Bên cạnh đó, các chatbot và trợ lý ảo trợ giúp ở mọi giai đoạn trong hành trình chăm sóc sức khỏe của bệnh nhân.
Cá nhân hóa điều trị
Ở cấp độ cao, thuật ngữ này đề cập đến việc tạo ra kế hoạch điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân. Trên thực tế, nó đang được hiện thực hóa nhờ công nghệ và hệ thống dữ liệu.
Các ứng dụng tiên tiến nhất là về gen, trong đó AI đang được dùng để phân tích DNA của bệnh nhân nhằm chẩn đoán và điều trị bệnh cũng như tạo ra các loại thuốc được cá nhân hóa ở cấp độ phân tử.
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng cá nhân hóa việc chăm sóc sức khỏe sẽ mang lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân, tiết kiệm chi phí và giải quyết các thách thức về y tế trong tương lai.
Trợ lý chăm sóc sức khỏe ảo
Trợ lý ảo và chatbot có thể giúp các bác sĩ bằng cách đưa ra lời khuyên về phương pháp điều trị, chẩn đoán và thuốc men. Chúng cũng trả lời các câu hỏi của bệnh nhân và kết nối họ với thông tin cần thiết để có quyết định sáng suốt hơn.
Các phương tiện trên có thể nhắc bệnh nhân uống thuốc hay tập thể dục, thậm chí, đồng hành cùng những bệnh nhân sống một mình hoặc ở vùng hẻo lánh để cải thiện sức khỏe tâm thần.
Bản sao kỹ thuật số
Bản sao kỹ thuật số là mô hình ảo của một đối tượng nào đó. Bản sao kỹ thuật số của cơ thể con người và các cơ quan nội tạng riêng lẻ đã được phát triển, nhằm mô hình hóa tác động của những thay đổi trong cách điều trị, thuốc men và lựa chọn lối sống. Bản sao kỹ thuật số phức tạp nhất hiện nay của bộ não con người, thứ mà các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phát triển vào năm 2024.
Bệnh viện ảo và y tế từ xa 2.0
Xu hướng này gồm thiết bị y tế từ xa và được kết nối mạng toàn cầu được gọi là Internet of Things (IoT). Nó sẽ giúp theo dõi bệnh nhân từ xa, cung cấp kênh liên lạc với chuyên gia y tế và phát triển thêm các phương pháp chăm sóc từ xa.
Cách thức này được gọi là ‘y học từ xa 2.0” vì nó vượt xa việc cung cấp dịch vụ chăm sóc từ xa đơn giản, như tư vấn từ xa, đến một cách tiếp cận toàn diện để chăm sóc và điều trị bệnh nhân. Khu bệnh viện ảo là một ví dụ về xu hướng hoạt động này vào năm 2024 - nơi vị trí trung tâm đóng vai trò là theo dõi nhiều bệnh nhân tại nhà riêng của họ.
Y tế dự phòng
Y tế dự phòng gồm nhiều chủ đề như tập thể dục, giữ gìn sức khỏe và tiêm chủng, nhưng tất cả đều xoay quanh việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Sự chuyển đổi từ phản ứng sang chủ động này sẽ là ưu tiên chiến lược của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe vào năm 2024.
Y tế dự phòng sẽ có lợi ích lâu dài cho bệnh nhân, giảm chi phí điều trị trong đó công nghệ mới sẽ đóng vai trò quan trọng cho phép cảnh báo sớm và can thiệp nhanh chóng.
Thực tế ảo và tăng cường trong chăm sóc sức khỏe
Việc sử dụng thực tế ảo (VR) trong chăm sóc sức khỏe đang phát triển và bắt đầu trở thành xu hướng phổ biến. Đặc biệt, nó được chứng minh là hiệu quả trong việc giúp bệnh nhân kiểm soát cơn đau mãn tính lâu dài, ít tác dụng phụ hơn so với dùng dược phẩm truyền thống và giảm thời gian nằm viện cho bệnh nhân.
Thực tế tăng cường (AR) ngày càng được các bác sĩ phẫu thuật sử dụng để cung cấp thông tin kỹ thuật số khi họ làm việc mà không cần nhìn vào các màn hình riêng biệt. AR cũng giúp trong việc chăm sóc vết thương một cách tối ưu.
Chăm sóc người già
Nhiều quốc gia phát triển có dân số già, điều này sẽ gây áp lực ngày càng lớn lên hệ thống y tế khi mọi người sống lâu hơn và cần được hỗ trợ nhiều hơn. Các giải pháp đổi mới giúp người cao tuổi ở tại nhà riêng của họ lâu hơn thay vì chiếm chỗ trong bệnh viện, nhà tế bần và viện dưỡng lão sẽ trở nên nổi bật.
Các giải pháp mới cũng tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các phương pháp điều trị mới cho các bệnh xảy ra đặc biệt ở tuổi già và gây căng thẳng cho hệ thống y tế như Alzheimer và Parkinson.
In 3D từ dụng cụ đến bộ phận cơ thể
Ở những nơi khó có được thiết bị y tế, in 3D có thể được sử dụng để tạo ra các công cụ và thiết bị theo yêu cầu, gồm dụng cụ phẫu thuật, chỉnh hình hoặc cấy ghép nha khoa và chân tay giả.
Nghiên cứu đang được tiến hành về hiệu quả của các bộ phận trong cơ thể được in 3D để cấy ghép bằng cách sử dụng mô sinh học lấy từ cơ thể bệnh nhân. Nếu hiệu quả, đây sẽ là giải pháp cho tình trạng thiếu các bộ phận cơ thể và giảm đáng kể chi phí của các thủ tục này.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần và thể chất
Trong lịch sử của y học, việc chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần tương đối tách biệt nhau. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19 các người ta nhận ra mối liên hệ đặc biệt giữa sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như nhu cầu về một cách tiếp cận toàn diện.
Năm 2024, xu hướng trên sẽ liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ y tế tuyến đầu. Bên cạnh đó, việc tìm các cách thức sức khỏe tâm thần có thể ảnh hưởng đến việc điều trị và phục hồi thể chất sẽ được chú ý.